26 C
Hanoi
Friday, March 29, 2024

Buy now

Bảng Cân Nặng Thai Nhi – Bảng Chiều Dài Thai Nhi

Bảng cân nặng thai nhi - bảng chiều dài thai nhi

Bảng cân nặng thai nhi chuẩn và bảng chiều dài thai nhi chuẩn chính xác theo WHO 2020 có minh họa sinh động nhất. Đây là thước đo tham khảo để mẹ bầu có thể biết được sự lớn lên của bé yêu trong bụng mẹ, giúp mẹ bầu an tâm, không lo con bị phát triển quá to hoặc quá nhỏ so với chuẩn cũng như biết cách điều chỉnh chế độ ăn uống, luyện tập để thai nhi phát triển tốt nhất.

Bảng cân nặng thai nhi

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần Thứ Nhất

Lúc này, nói một cách chính xác thì bạn vẫn chỉ là một người chuẩn bị làm mẹ mà thôi, ngay cả bóng dáng của thai nhi cũng chưa thấy đâu, nó vẫn chỉ tồn tại ở dạng tinh trùng và trứng riêng biệt trên cơ thể bố và mẹ.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần Thứ Hai

Lúc này, trứng đã trải qua “vòng loại” đầu tiên trong cơ thể mẹ, vượt lên gần 20 “tuyển thủ” khác để giành chiến thắng. Cuối tuần này sẽ là thời điểm bắt đầu quá trình rụng trứng của bạn. Bởi vì tình trạng sức khỏe của mỗi người khác nhau, nên chu kì kinh nguyệt cũng có sự khác biệt. Nhưng cho dù chu kì là bao nhiêu ngày thì thông thường ngày rụng trứng cũng sẽ xảy ra vào khoảng trên dưới 14 ngày kể từ ngày kết thúc của kì kinh trước. Thông thường, trong vòng 15~18 tiếng đồng hồ sau khi trứng được phóng thích, quá trình thụ tinh sẽ diễn ra tốt nhất.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 3

Con bằng hạt anh túc

Tuần này, cơ thể mẹ đã bước vào giai đoạn rụng trứng rồi, trứng được phóng vào ống dẫn trứng chỉ có tuổi thọ từ 12~36 tiếng đồng hồ. Trong quá trình này, trứng sẽ chọn ra một tinh trùng khỏe nhất, may mắn nhất trong đội ngũ tinh trùng “hùng hậu” để làm bạn đời của mình, hình thành nên trứng đã thụ tinh, sau đó tiếp tục tiến hành quá trình phân bào.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 4

4mm, nặng chưa đến một gram

Lúc này trứng đã thụ tinh trải qua quá trình phân bào liên tiếp đã trở thành một khối tế bào hình cầu (lúc này trứng đã thụ tinh được gọi là phôi đang đi vào trong tử cung của mẹ), phôi tiếp xúc với nội mạc tử cung, vùi mình vào trong nội mạc tử cung của mẹ và bắt đầu làm tổ trong đó. Chỉ thêm vài ngày nữa thôi, các ống thần kinh của thai nhi bắt đầu hình thành.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 5

Con bằng hạt cam

Hạt giống sinh mệnh đã được gieo vào bên trong cơ thể bạn rồi đấy, bé yêu đến trong sự chờ đợi của bạn đúng không nào? Vậy thì chắc chắn từ giai đoạn rụng trứng, bạn đã rất để ý đến sự thay đổi của cơ thể mình và nôn nóng chờ đợi sự xuất hiện của bé yêu, chờ đợi cuộc sống của một gia đình có ba người. Quả nhiên, cơ thể bạn bắt đầu có sự thay đổi, có dấu hiệu của việc mang thai.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 6

Con bằng hạt đậu nành 

Tim thai bắt đầu đập có quy luật, phôi thai mặc dù chỉ to bằng nhân quả thông, khoảng 2~4mm nhưng các cơ quan chủ yếu trong cơ thể như thận và tim đã hình thành, các ống thần kinh bắt đầu liên kết đại não và tủy sống. Bà bầu bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu mang thai rõ rệt, cơ thể cũng có những thay đổi.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 7

Con bằng quả việt quất

Trong tuần này, thai nhi ở trong thời kì phân bào với tốc độ chóng mặt, cao gấp đôi so với tuần trước. Lúc này thai nhi đã dài khoảng 6~10mm, bằng một hạt đậu tằm. Qua hình ảnh siêu âm chúng ta có thể nhìn thấy thai nhi có một cái đầu rất to, ở phần mắt có hai chấm đen nhỏ. Tuần này, lỗ mũi bắt đầu hình thành, vị trí hai tai từ từ lõm xuống, những ngón tay, tứ chi tiếp tục phát triển, tim bắt đầu chia thành tâm nhĩ trái và tâm thất phải, thùy não bắt đầu phát triển. Tuần này, bà bầu sẽ cảm thấy vô cùng mệt mỏi, tim đập nhanh hơn, quá trình trao đổi chất được đẩy nhanh.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 8

Con bằng quả phúc bồn tử (1g – 1.6cm)

Nội tạng và não bộ của thai nhi đều đã phân hóa; các cơ quan: Tay, chân, mắt, miệng, tai đều đã hình thành; chỉ có điều đầu to, thân nhỏ, chiều dài thân khoảng 14~20mm, trọng lượng khoảng 1gr, đã rất giống với hình dáng của con người. Lúc này, hình dáng cơ thể bà bầu không khác gì mấy so với khi chưa có bầu, nhưng bên trong tử cung đã có sự thay đổi rõ rệt, tử cung hiện giờ đã to ra, hơn nữa còn trở nên mềm mại, đặc biệt là thành tử cung.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 9

Con bằng quả Ôliu (2g – 2.3cm)

Trong tuần này, trọng lượng của thai nhi đã được 2gr rồi, độ dài tăng lên khoảng 23 – 25mm, ngũ quan bắt đầu hình thành, tay và chân chưa xuất hiện ngón riêng biệt nhưng đã có các ngón đã dính liền với nhau. Lúc này thai nhi đã là một “thai nhi” đúng nghĩa rồi. Dấu hiệu nôn khan vào buổi sáng của mẹ chẳng mấy chốc sẽ chấm dứt, lúc này trọng lượng cơ thể mẹ có lẽ chưa tăng lên nhiều, có thể do phản ứng thai nghén quá nghiêm trọng, bà bầu chưa ăn uống đầy đủ được.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 10

Con bằng quả mận (4g – 3.1cm)

Thai nhi lúc này trông đã giống như một người tí hon, chiều dài cơ thể khoảng 31~42mm, nặng khoảng 4gr, các tế bào cơ bản đã hình thành, tuần hoàn máu đã bắt đầu được xây dựng, tất cả các bộ phận trên cơ thể đã bắt đầu phát triển sơ khai, bao gồm cánh tay, chân, mắt, cơ quan sinh dục và các cơ quan khác… Thai kì bắt đầu bước vào tuần thứ 10, cơ thể của mẹ vẫn chưa có nhiều thay đổi, nếu là lần đầu mang thai, có thể bây giờ vẫn chưa thể nhìn rõ sự thay đổi ở bụng.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 11

Con bằng quả chanh (7g – 4.1cm)

Tuần này, bé đã dài khoảng 41~63mm, trọng lượng khoảng 7gr trở lên, phần đầu vẫn rất to; mắt, ngón tay, ngón chân đã rõ ràng; móng tay, móng chân và tóc đã bắt đầu xuất hiện, các cơ quan duy trì sự sống đã bắt đầu hoạt động. Bà bầu đã phát hiện ra chưa? Đường nigra trên vùng bụng dưới đã trở nên sậm màu rồi đấy. Em bé lúc này đã chiếm trọn tử cung, bởi vì tử cung tăng diện tích nên đè lên bàng quang và trực tràng, bà bầu bắt đầu cảm thấy có hiện tượng đi tiểu nhiều lần.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 12

Con bằng quả mận lớn (14g – 5.4cm)

Thai nhi vẫn đang phát triển với tốc độ nhanh, chiều dài cơ thể vào khoảng 5 – 9cm, đầu vẫn rất to, bằng một nửa cơ thể. Bởi vì lớp màng giữa các ngón tay và chân đã biến mất nên bây giờ, các ngón tay và chân của bé đã tách rời hoàn toàn; một số phần xương đã trở nên cứng cáp và có sự hình thành các khớp.

Bảng cân nặng thai nhi - bảng chiều dài thai nhi
Cân nặng thai nhi tuần 12

Kể từ bây giờ, thai nhi đã bước vào giai đoạn tăng trưởng của não bộ, bà bầu cần bổ sung nhiều thực phẩm bồi bổ não cho thai nhi. Đối với phần lớn các bà bầu, bắt đầu từ tuần này, hiện tượng buồn nôn và nôn về cơ bản đã bớt dần, sự mệt mỏi và chứng thèm ngủ cũng sắp qua đi. So với thời kì trước, tình trạng sức khỏe và tinh thần của bà bầu đã có chuyển biến tốt.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 13

Con bằng quả đào (23g – 7.4cm)

Bây giờ, mặt của thai nhi đã giống với người trưởng thành hơn, trông như một búp bê xinh xắn. Lúc này, nếu bạn dùng ngón tay chạm nhẹ vào bụng, thai nhi sẽ bắt đầu cử động, nhưng bà bầu vẫn chưa thể cảm nhận được sự chuyển động này đâu. Bắt đầu từ tháng này, các bà bầu bắt đầu bước vào giai đoạn giữa của thai kì, có thể trên bụng và eo của bà bầu đã bắt đầu xuất hiện những vết rạn da. Để khắc phục những vết rạn da này, bà bầu cần luyện tập thể thao thích hợp và sử dụng một số loại kem dưỡng da chống rạn da, tiến hành mát xa đúng cách để kích thích tuần hoàn máu, tăng cường độ đàn hồi cho da.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 14

Con bằng quả chanh vàng (43g – 8.7cm)

Thai nhi lúc này vẫn còn rất nhỏ, ngón tay bắt đầu dài ra, trên ngón tay đã có vân tay, ngón tay và ngón chân đã hình thành hoàn toàn, xương mềm cũng đã hình thành và đang phát triển nhanh chóng. Tử cung của bà bầu đã to ra rất nhiều, nhưng vẫn không dễ dàng để nhận ra bạn đang có bầu. Thông thường, đến giai đoạn này, khả năng sảy thai đã giảm đi nhiều.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 15

Con bằng quả cam vàng (70g – 10.1cm)

Thai nhi đã bắt đầu mọc tóc và lông mày, trên lớp da mỏng cũng xuất hiện một lớp lông tơ, trông giống như một lớp vải nhung bao bọc xung quanh cơ thể bé, lớp lông tơ này sẽ biến mất sau khi bé được sinh ra. Trong tuần này, thai nhi có thể làm được nhiều động tác, ví dụ: Nắm chặt hai tay, nheo mắt, liếc mắt, nhíu mày, làm mặt xấu, mút ngón tay cái của mình… Những động tác này có thể giúp thai nhi phát triển trí não tốt hơn. Bà bầu cần đặc biệt chú ý việc vệ sinh khoang miệng. Sau khi có thai, vì sự thay đổi của nội tiết, nhu cầu đối với hoóc môn estrogen tăng lên, nên nướu răng của bà bầu dễ bị sung huyết hoặc xuất huyết, có thể gây ra bệnh viêm lợi. Bà bầu cần hình thành thói quen súc miệng sau khi ăn, sử dụng chỉ nha khoa và đánh răng buổi sáng và buổi tối.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 16

Con bằng quả bơ (100g – 11.6cm)

Thai nhi lúc này dài khoảng 11cm, cân nặng khoảng 80~110gr, kích thước nằm gọn trong lòng bàn tay. Bây giờ thai nhi đã bắt đầu biết nấc cụt, đây cũng là dấu hiệu của việc hô hấp. Thời khắc khiến cho các bà bầu cảm thấy thích thú đã đến rồi, trong tuần này, bạn có thể cảm nhận được thai máy. Nhịp đập thai máy sẽ tăng dần và rõ rệt từ tuần 16~20, nếu cảm thấy tử cung động đậy, âm thanh ục ục như tiếng dạ dày phát ra khi đang đói chính là hiện tượng thai máy đấy. Nhất định phải ghi chép lại thời gian lần đầu tiên cảm nhận thai máy để thông báo cho bác sĩ khi đi khám.

Bảng cân nặng thai nhi - bảng chiều dài thai nhi
Cân nặng thai nhi tuần 16

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 17

Con bằng củ cải tròn (140g – 13cm)

Thai nhi lúc này đã to bằng củ cải tròn rồi, hệ thống tuần hoàn, niệu đạo cũng bắt đầu làm việc, phổi đang phát triển mạnh để thích nghi với môi trường tử cung. Từ tuần 16~19, thính giác của thai nhi đã hình thành, lúc này thai nhi giống như một “kẻ nghe lén”, có thể nghe thấy tiếng tim đập, tiếng máu chảy, tiếng dạ dày và tiếng nói chuyện của mẹ. Cân nặng của bà bầu hiện giờ đã tăng từ 2~5kg, tử cung đã phình to, thỉnh thoảng bạn có thể cảm thấy những cơn đau bụng. Những cơn đau này là do sự co kéo của các dây chằng gây ra.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 18

Con bằng củ khoai lang (190g – 14.2cm)

Thai đã bắt đầu máy thường xuyên hơn. Trong tuần này, hai con mắt vốn nằm lệch sang hai phía khuôn mặt đã bắt đầu gần lại, khuôn mặt đã giống với người trưởng thành hơn, bắt đầu có những biểu cảm đầu tiên, thai nhi biết nhíu mày, liếc mắt, làm mặt xấu… Làn da của bé vẫn còn trong suốt, có thể nhìn rõ các mạch máu dưới da, cũng có thể nhìn rõ xương cốt của toàn cơ thể đã bắt đầu cứng lại. Một số bà bầu có hiện tượng bị ngạt mũi, xung huyết hoặc xuất huyết niêm mạc mũi. Tình trạng này có liên quan đến sự thay đổi nội tiết trong thời gian mang bầu. Lúc này, bà bầu tuyệt đối không được dùng các loại thuốc nhỏ mũi hoặc các loại thuốc chống dị ứng, có thể sử dụng một số loại thuốc đông y có tác dụng làm mát. Không cần điều trị, hiện tượng này sẽ giảm bớt. Nếu bị chảy máu mũi nghiêm trọng, tốt nhất nên đến bác sĩ kiểm tra.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 19

Con bằng quả xoài (240g – 15.3cm)

Khi đi siêu âm trong giai đoạn giữa thai kì, bạn có thể nhìn thấy thai nhi đá chân, co người, vươn vai, lăn lộn và mút ngón tay cái. Hãy căn cứ vào hình ảnh chụp khi siêu âm để vẽ phác thảo hình dạng của bé nhé! Bây giờ bạn đã có thể biết rõ giới tính của bé rồi. Thai nhi ở trong bụng đang vận động liên tục, thực hiện một số động tác lăn, lộn. Nhiều lúc em bé nghịch ngợm thái quá, khiến cho bà bầu mất ngủ buổi tối. Trong 10 tuần sau này, thai máy với tần suất liên tục, cho đến khi tử cung trở nên chật chội ở giai đoạn cuối thai kì. Bắt đầu từ bây giờ, trung bình mỗi tuần đáy tử cung của bà bầu sẽ nâng cao khoảng 1 cm, eo cũng phình to ra, động tác trở nên chậm chạp, nặng nề.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 20

Con bằng quả dưa gang (300g – 25.6cm)

Kể từ tuần này, võng mạc của thai nhi đã hình thành, bắt đầu có phản ứng với ánh sáng, đồng thời cảm nhận được ánh sáng bên ngoài bụng mẹ. Bắt đầu từ tuần này, có thể sử dụng đèn pin để tiến hành thai giáo, thai nhi sẽ có phản ứng mạnh với những ánh sáng chói gắt. Các cơ quan cảm giác của thai nhi bước vào thời kì phát triển quan trọng, đại não bắt đầu phân chia các khu vực chuyên biệt phụ trách khứu giác, vị giác, thính giác, thị giác và xúc giác. Vùng bụng của bà bầu đã dần dần thích nghi với sự phình to của tử cung, hiện giờ các ông bố tương lai cần giúp vợ đo độ cao của tử cung mỗi tuần. Mỗi tuần độ cao của tử cung sẽ tăng thêm 1 cm, nếu liên tục hai tuần liền không có sự thay đổi, cần phải đến bệnh viện kiểm tra.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 21

Con bằng quả chuối (360g – 26.7cm)

Thai nhi đã được 21 tuần rồi, cân nặng đang liên tục tăng lên. Toàn thân thai nhi được bao phủ bởi một lớp màu trắng, trơn, trông bóng nhẫy như mỡ, được gọi là chất gây. Tác dụng của chất gây là bảo vệ làn da cho thai nhi, tránh để nước ối xâm nhập và làm tổn hại cho cơ thể bé. Bây giờ, bà bầu có thể cảm thấy thở gấp, đặc biệt khi lên cầu thang, chưa đi được mấy bậc đã thở hồng hộc rồi. Đấy là do tử cung ngày càng to lên chèn ép lên phổi của thai phụ, cùng với sự phình to của tử cung, tình trạng này sẽ ngày một rõ rệt.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 22

Con bằng quả dưa vàng (430g – 27.8cm)

Trong tuần này, lông mày và mi mắt của thai nhi đã phát điển đầy đủ, trên ngón tay đã có móng tay. Thai nhi đã hoàn toàn có thể nghe thấy âm thanh, vì vậy kể chuyện, hát hay bật nhạc cho thai nhi nghe đều không còn gặp trở ngại gì. Trong giai đoạn này bà bầu cảm thấy cơ thể dễ chịu hơn nhiều. Xét một cách tương đối thì đây là giai đoạn dễ chịu nhất trong toàn bộ thai kỳ. Có rất nhiều bà bầu gặp hiện tượng chảy máu chân răng trong thời kì này, đấy là bởi các hoóc môn progesteron khiến cho lợi bị sưng lên, cho dù đánh răng rất nhẹ nhàng cũng có thể khiến bà bầu chảy máu chân răng.

Bảng cân nặng thai nhi - bảng chiều dài thai nhi
Cân nặng thai nhi tuần 22

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 23

Con bằng quả đu đủ (500g – 28.9cm)

Đã 23 tuần rồi, thai nhi trông rất giống bản sao thu nhỏ của trẻ sơ sinh, nhưng lớp mỡ dưới da vẫn chưa phát triển, làn da vẫn còn đỏ hồng, nhăn nheo giống như một cụ già. Môi, lông mày và mí mắt đã rõ ràng, võng mạc đã hình thành, có khả năng thị giác yếu ớt. Tuyến tụy và sự bài tiết hoóc môn đang ở trong quá trình ổn định và phát triển. Lúc này, trên lợi của thai nhi đã bắt đầu hình thành các mầm răng. Cân nặng của bà bầu đang tăng ổn định, mỗi tuần tăng khoảng 300gr, tổng cộng đã tăng 5~8kg. Chất dịch âm đạo cũng tăng lên, đây là hiện tượng hết sức bình thường, không cần phải lo lắng. Cần chú ý vệ sinh cá nhân, bởi trong thời kì này, nguy cơ viêm nhiễm bàng quang tăng cao.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 24

Con bằng bắp ngô (600g – 30cm)

Thai nhi 24 tuần tuổi đã nặng khoảng 600gr, dài 30cm. Ngoài ra, khả năng nghe đã phát triển, hệ thống hô hấp cũng đang phát triển. Cho dù vẫn liên tục nuốt nước ối, nhưng thông thường bé sẽ không thải ra phân. Cơ thể mẹ càng trở nên nặng nề, trọng tâm cơ thể cũng chuyển về phía trước. Cái rốn vốn lõm vào trong nay bắt đầu lồi ra ngoài, nhưng đừng lo, đợi sau khi sinh nở nó sẽ khôi phục hình dạng ban đầu thôi. Có phải bạn đã có hiện tượng táo bón không? Bởi vì tử cung phình to đè lên các mạch máu xung quanh, có lẽ còn kéo theo cả bệnh trĩ nữa đấy.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 25

Con bằng quả cà tím (660g – 34.6cm)

Trọng lượng của thai nhi tăng lên ổn định, làn da rất mỏng, có không ít nếp nhăn, gần như chưa thấy lớp mỡ dưới da, toàn thân được bao bọc bởi một lớp lông tơ. Cơ thể của thai nhi đã chiếm một khoảng không gian khá lớn trong tử cung của mẹ và bắt đầu phát triển ra toàn bộ tử cung. Các vết rạn trên ngực và bụng của bà bầu ngày càng rõ rệt, những vết màu đỏ sậm dần dần sậm hơn, làn da của bạn trông giống như đang bị nứt ra vậy. Thực ra không cần phải lo lắng, sau khi sinh những vết rạn này sẽ trở nên nhạt màu. Có thể bạn sẽ cảm thấy hơi mệt mỏi. Bởi vì vùng bụng ngày càng nặng nề, để duy trì sự cân bằng cho cơ thể, phần cơ ở eo phải tiếp tục dùng sức hướng ra sau, chân và thắt lưng càng đau nhức hơn. Thỉnh thoảng bạn cảm thấy mắt mình khó chịu, sợ ánh sáng, khô, cay xè… đây là những phản ứng điển hình trong thời kì thai nghén, có thể sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt để giảm bớt nhức mỏi, duy trì độ ẩm cho mắt để xoa dịu cảm giác khó chịu.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 26

Con bằng quả cà tím lớn (760g – 35.6cm)

Trong tuần này, cân nặng của em bé đã xấp xỉ 800gr, chiều dài cơ thể khoảng 32 – 36cm, lớp mỡ dưới da đã bắt đầu xuất hiện, toàn thân bé được bao phủ bởi một lớp lông tơ. Ở tuần thứ 26, cơ quan thính giác của thai nhi đã hoàn thiện về cơ bản, vì vậy bà bầu cần lựa chọn những bản nhạc hay cho thai nhi nghe. Những bản nhạc cho thai nhi nghe không nên có âm phổ quá rộng, các âm cao không quá nhiều, áp lực âm thanh không quá lớn. Những bản nhạc rock, nhạc nhảy không phù hợp với thai nhi. Giai đoạn này là thời kì bà bầu dễ mắc các bệnh thiếu máu, tiểu đường, vì vậy cần đến bệnh viện kiểm tra định kì, cũng cần chú ý đến các chỉ số liên quan, đồng thời tiến hành phòng bệnh theo sự tư vấn của bác sĩ. Có một số bà bầu xuất hiện tình trạng phù chân, nên tránh đứng hoặc đi lại quá lâu, nghỉ ngơi đầy đủ, lúc ngủ kê cao chân thì có thể ngăn ngừa bệnh này hiệu quả hơn.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 27

Con bằng quả dưa chuột lớn (875g – 36.6cm)

27 tuần tuổi, thai nhi đã xuất hiện những sợi tóc ngắn, tinh hoàn của bé trai vẫn chưa tụt xuống, môi nhỏ âm đạo của bé gái bắt đầu phát triển. Lúc này hệ thống thần kinh thính giác của thai nhi đã phát triển hoàn toàn, có phản ứng rõ rệt với những kích thích âm thanh ở bên ngoài; khí quản và phổi vẫn chưa phát triển hoàn thiện, nhưng vẫn tiếp tục hoạt động hô hấp. Lúc này bà bầu có thể có hiện tượng táo bón, do nhu động ruột giảm đi, các mạch máu xung quanh trực tràng bị chèn ép gây ra. Ngực của bà bầu thỉnh thoảng có thể tiết ra một ít chất lỏng như sữa, đây là hiện tượng hết sức bình thường. Lúc này bà bầu cần vệ sinh ngực sạch sẽ, sử dụng các loại áo ngực chuyên dành cho bà bầu, mỗi ngày nên vệ sinh đầu vú một lần để chuẩn bị sau này cho con bú.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 28

Con bằng bông cải trắng (1,000g – 37.6cm)

Cân nặng của thai nhi đã đạt đến mốc 1,000gr, chiều dài vào khoảng 35 – 38cm, mắt đã có thể mở ra và nhắm lại, đã hình thành nên chu kì giấc ngủ. Khi bé thức, bé sẽ tự chơi đùa, đá chân, vươn vai, thậm chí là mút ngón tay của mình. Não bộ của thai nhi cũng hoạt động mạnh, lớp vỏ não bắt đầu xuất hiện những nếp nhăn, tổ chức não phát triển nhanh chóng. Tuần này bà bầu có thể cảm nhận được tốc độ phát triển nhanh chóng của thai nhi, đáy tử cung đã nâng cao ngang rốn, bởi vì vùng bụng nặng nề, tư thế nằm ngửa lúc này đã khiến bạn cảm thấy khó chịu, tốt nhất nên chọn tư thế nằm nghiêng.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 29

Con bằng búp bắp cải (1.1kg – 38.6cm)

Thai nhi hiện nay đã nặng 1.100gr, chiều dài cơ thể khoảng 38cm. Lúc này thai nhi đã có thể mở mắt và xoay đầu theo nguồn ánh sáng thông qua bụng của mẹ. Lớp mỡ dưới da thai nhi lúc này đã hình thành, các móng tay đã rất rõ ràng. Từ tuần thứ 29 đến tuần thứ 40 trên lí thuyết được gọi là giai đoạn cuối của thai kì. Đa phần các bà bầu sẽ tăng từ 5kg trở lên trong giai đoạn này. Giai đoạn này có thể kéo dài đến tuần thứ 42. Nếu thời gian mang thai dài quá 42 tuần, thông thường các bác sĩ sẽ dùng phương pháp thúc đẻ để tránh thai nhi già quá hoặc gặp phải những nguy cơ khác. Sự co tử cung bất thường cũng có thể xảy ra trong giai đoạn này, thỉnh thoảng bạn sẽ cảm thấy bụng căng cứng từng cơn, điều này là hết sức bình thường. Hiện tượng này càng dễ xảy ra khi bạn phải đi bộ nhiều hoặc cơ thể mệt mỏi, do đó cần chú ý nghỉ ngơi, không nên đi bộ quá nhiều hoặc đứng quá lâu.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 30

Con bằng quả bí đỏ dài (1.3kg – 39.9cm)

Nếu thai nhi là bé trai, tinh hoàn đang tụt xuống bìu; nếu thai nhi là nữ, âm vật đã rất rõ ràng. Tốc độ phát triển của đại não cũng rất nhanh. Phần lớn các thai nhi lúc này đã có phản ứng với âm thanh. Lớp mỡ dưới da tiếp tục phát triển. Bởi vì xương cốt, các bắp thịt và phổi của thai nhi đang ngày một phát triển, nên bà bầu sẽ cảm thấy thân hình ngày càng nặng nề, bụng to đến mức không nhìn thấy chân của mình, vận động ngày càng khó nhọc, do đó bà bầu càng phải cẩn thận. Nhu cầu dinh dưỡng của thai nhi trong giai đoạn cuối thai kì đạt đến đỉnh cao, lúc này bà bầu cần hấp thu đầy đủ protein, vitamin C, axit folic, các vitamin nhóm B, sắt và canxi.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 31

Con bằng cây bắp cải (1.5kg – 41.1cm)

Hệ thống tiêu hóa và phổi của thai nhi cơ bản đã hoàn thiện, chiều dài cơ thể tăng chậm lại nhưng cân nặng tăng vọt. Tuần này, mắt của thai nhi lúc nhắm lúc mở, có thể phân biệt được sáng tối, thậm chí có thể nhìn theo nguồn phát ra ánh sáng. Bà bầu sẽ cảm thấy ngày càng khó thở hơn, nhiều lúc thở không ra hơi. Đáy tử cung đã cao lên đến dưới cơ hoành, cứ mỗi khi ăn xong lại cảm thấy dạ dày khó chịu nên ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn. Lúc này tốt nhất nên ăn ít và ăn thành nhiều bữa để giảm nhẹ cảm giác khó chịu ở dạ dày. Mặc dù có rất nhiều vấn đề khó chịu nhưng đừng sốt ruột, mọi chuyện rồi sẽ qua nhanh thôi. Bắt đầu từ tuần thứ 34 trở đi, đầu của thai nhi sẽ tụt xuống, đi vào khung xương chậu, chạm đến cổ tử cung để chuẩn bị cho việc sinh nở, lúc đó bạn sẽ cảm thấy việc hít thở và ăn uống dễ dàng hơn nhiều. Lúc này, xung quanh đầu vú, bụng dưới và âm đạo của bà bầu sẽ càng lúc càng sậm màu, các vết rạn da và các vết nám trên mặt có thể ngày càng rõ rệt.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 32

Con bằng quả dưa lưới (1.7kg – 42.4cm)

Lớp mỡ dưới da toàn thân của thai nhi bây giờ đã khá dày, nếp nhăn trên da cũng giảm đi đáng kể, thai nhi đã rất giống một đứa trẻ sơ sinh rồi. Bạn sẽ phát hiện thai máy ít hơn trước đây, động tác cũng yếu ớt hơn, nhưng chỉ cần số lần thai máy phù hợp với quy luật thì không cần phải lo lắng. Chức năng của phổi và dạ dày của thai nhi đã gần hoàn thiện, đã có thể hô hấp, có thể bài tiết dịch tiêu hóa. Nước ối thai nhi nuốt vào sẽ được thải lại túi ối thông qua bàng quang. Trong thời gian này, cân nặng của bà bầu mỗi tuần tăng khoảng 500gr là bình thường, bởi vì hiện giờ thai nhi đang phát triển tương đối nhanh để chuẩn bị ra đời. Lúc này bà bầu cần kiên trì khám thai 2 tuần một lần; nếu cảm thấy đau đầu, buồn nôn, đau bụng, sốt… nhất định phải lập tức hỏi ý kiến bác sĩ. Chất thải âm đạo và số lần bài tiết nước tiểu đều tăng lên nhiều, vì vậy bà bầu cần chú ý vệ sinh vùng kín.

Xem thêm : mang thai 32 tuần thì nên ăn gì ?

Bảng cân nặng thai nhi - bảng chiều dài thai nhi
Cân nặng thai nhi tuần 32

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 33

Con bằng quả dứa (1.9kg – 43.7cm)

Trọng lượng của thai nhi lúc này đạt khoảng 1.900gr, chiều dài cơ thể vào khoảng hơn 40 – 44cm, lớp mỡ dưới da dày hơn trước, nếp nhăn trên da giảm đi, cơ thể trở nên tròn trịa hơn. Hệ thống hô hấp, tiêu hóa đã phát triển gần như hoàn thiện. Có bé đã có tóc, móng tay đã mọc dài ra đến đầu ngón tay, nhưng thông thường không dài vượt quá ngón tay. Nếu là bé trai, tinh hoàn có thể đã từ bụng tụt xuống bìu; nếu là bé gái, môi lớn của bé đã nhô lên rõ ràng. Điều này cho thấy cơ quan sinh dục của bé cũng bắt đầu gần hoàn thiện. Phần đầu của thai nhi đã hướng xuống vùng xương chậu của mẹ. Bởi vì đầu thai xoay nên áp lực đè lên bàng quang lớn, khiến cho bà bầu phải đi tiểu liên tục. Có thể bạn sẽ cảm thấy phần liên kết giữa xương chậu và xương mu có cảm giác khó chịu và đau đớn, có bà bầu còn cảm thấy các khớp ngón tay và gót chân của mình đau nhức, đau lưng nghiêm trọng hơn. Những hiện tượng này cho thấy thai nhi đang dần tụt xuống, các khớp xương và dây chằng toàn thân đang nới lỏng để chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Những cơn co thắt tử cung không theo quy luật tăng dần, vùng bụng thường xuất hiện những cơn căng cứng. Âm đạo trở nên mềm và sưng to.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 34

Con bằng quả dưa gang (2.1kg – 45cm)

Trọng lượng của thai nhi lúc này vào khoảng 2.100gr, đã sẵn sàng cho quá trình sinh nở. Thai nhi đã chuyển sang ngôi đầu, tức là đầu hướng xuống dưới, phần đầu đã đi vào trong khung xương chậu. Nhưng tư thế lúc này của thai nhi vẫn chưa hoàn toàn cố định, còn có thể sẽ phát sinh sự thay đổi, cần phải chú ý sát sao. Xương đầu bây giờ vẫn còn rất mềm, hơn nữa giữa mỗi mảnh xương đầu đều có khe hở để khi sinh phần đầu có thể thuận lợi đi qua đường âm đạo nhỏ hẹp. Lúc này bà bầu có thể thấy chân, mặt, tay của mình bị sưng phù khá rõ rệt, gót chân còn sưng to hơn, đặc biệt là vào những mùa ấm áp hoặc là vào buổi chiều thì hiện tượng phù nề càng thêm nghiêm trọng. Cho dù là vậy cũng không cần phải hạn chế lượng nước hấp thu vào trong cơ thể, bởi vì bản thân bà bầu và thai nhi đều cần một lượng nước rất lớn. Hơn nữa, điều bất ngờ là hấp thu nước càng nhiều thì càng giúp bà bầu đào thải lượng nước trong cơ thể ra ngoài nhanh hơn.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 35

Con bằng quả dưa gang lớn (2.4kg – 46.2cm)

Thai nhi bây giờ càng ngày càng mũm mĩm, thân hình tròn trịa hơn. Lớp mỡ dưới da có tác dụng điều chỉnh thân nhiệt cho bé sau khi ra đời. Ở tuần thứ 35, thính giác đã phát triển hoàn thiện. Nếu ra đời vào lúc này, khả năng sống của bé lên đến 99%. Cùng với sự phát triển không ngừng, thai nhi cũng từ từ tụt xuống khung chậu. Lúc này bạn có thể sẽ cảm thấy bụng dưới tụt xuống, đau lưng, dây chằng và các cơ xung quanh ở phía sau xương chậu như tê liệt, thậm chí có cảm giác đau như bị co kéo, khiến cho hoạt động càng trở nên khó khăn hơn. Tình trạng này sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn ở bà bầu và tiếp diễn cho đến sau khi sinh, nếu thực sự quá khó chịu, bạn có thể nhờ bác sĩ tư vấn.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 36

Con bằng quả bí ngô (2.6kg – 47.4cm)

Thai nhi 36 tuần tuổi đã nặng khoảng 2.600gr, chiều dài cơ thể khoảng 47cm, móng tay lại dài hơn một chút, hai quả thận đã phát triển hoàn thiện, gan đã có thể xử lí một số chất cặn bã. Trọng lượng của bà bầu hiện giờ đang ở mức cao nhất, đã tăng 11~12kg. Hiện giờ, mỗi tuần bà bầu cần đi khám thai một lần. Có phải bạn thấy thai nhi máy ít hơn không? Đừng lo lắng, hãy nhờ bác sĩ dạy bạn cách đo tim thai và thai máy. Nếu thấy thai nhi tương đối nhỏ, bác sĩ sẽ đề nghị bạn kiểm tra tim thai một lần, tìm hiểu tình trạng thai nhi bên trong tử cung, và đề nghị bà bầu tăng thêm dinh dưỡng. Ngược lại, nếu thai nhi đã rất to, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn kiểm soát việc ăn uống, tránh để thai nhi quá to sẽ khó đẻ.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 37

Con bằng quả bí ngô lớn (2.9kg – 48.6cm)

Bây giờ đang là giai đoạn cuối của thai kì, thai nhi đang tiếp tục tăng trưởng về cân nặng với mức tăng trung bình 20~30gr mỗi ngày, trọng lượng thai nhi lúc này vào khoảng 2.900gr, chiều dài cơ thể dần đạt mức 50cm. Đến cuối tuần này là thai nhi đã có thể gọi là “đủ tháng” rồi đấy (thai nhi từ 38~40 tuần được gọi là thai nhi đủ tháng), điều này có nghĩa là thai nhi có thể chào đời bất cứ lúc nào, hai mẹ con chẳng mấy chốc sẽ được gặp nhau thôi. Có phải bà bầu đang cảm thấy áp lực lên vùng bụng dưới ngày càng lớn, vùng bụng nhô lên bây giờ càng lúc càng tụt xuống? Đây chính là hiện tượng thai nhi tụt xuống khung xương chậu mà chúng ta thường nhắc đến, tức là đầu thai nhi bắt đầu tụt xuống khung chậu để chuẩn bị cho việc sinh nở. Vị trí đáy tử cung dần dần hạ xuống, nhờ đó phổi và dạ dày của bà bầu sẽ cảm thấy dễ chịu hơn một chút, hít thở và ăn uống cũng dễ dàng hơn, nhu cầu ăn cũng vì vậy mà có chuyển biến tốt, nhưng hoạt động vẫn ngày một khó khăn.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 38

Con bằng quả dưa hấu (3kg – 49.8cm)

Có thể thai nhi đã nặng 3.000gr rồi, đầu thai nhi đã nằm trong khung xương chậu và được bảo vệ bởi các xương chậu rất an toàn. Lúc này tóc của thai nhi đã mọc dài và tương đối rậm, dài khoảng 1~3cm, đương nhiên cũng có một số em bé chẳng có sợi tóc nào. Trên cơ thể thai nhi, lớp lông tơ và phần lớn chất gây bám trên da đã dần dần rụng đi, lúc này các vật chất và chất bài tiết đều bị thai nhi nuốt vào trong bụng, tích tụ ở trong ruột, trở thành phân su có màu đen, phân su sẽ được đào thải ra ngoài cơ thể thai nhi trong 1~2 ngày đầu sau khi sinh. Bà bầu lúc này vừa mong chờ thai nhi sớm ra đời, vừa lo sợ cơn đau đẻ. Nhưng lúc này bà bầu vẫn cần vận động thích hợp, nghỉ ngơi đầy đủ, chú ý đến sự thay đổi của cơ thể. Ví dụ: Các dấu hiệu sắp sinh, luôn ở trạng thái sẵn sàng nhập viện, đồng thời làm quen với quá trình sinh nở, tìm hiểu sự thay đổi của cơ thể qua mỗi giai đoạn và chuẩn bị sẵn sàng về tâm lí.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 39

Con bằng quả dưa hấu Vừa (3.3kg – 50.7cm)

Thai nhi sinh ra trong tuần này là đủ tháng rồi đấy, lúc này trọng lượng của thai nhi vào khoảng 3.200~3.400gr. Cùng với sự nâng cao về điều kiện sống và sự cải thiện tình trạng dinh dưỡng của con người, cân nặng của thai nhi lúc này đạt khoảng 4.000gr là chuyện thường gặp, thông thường các bé trai nặng cân hơn các bé gái một chút. Lớp mỡ dưới da thai nhi tiếp tục phát triển, các cơ quan trong cơ thể đã phát triển hoàn thiện, trong đó phổi sẽ là cơ quan hoàn thiện cuối cùng. Trong tuần này, bà bầu cần chú ý ba hiện tượng quan trọng: Những cơn co thắt tử cung, vỡ ối và xuất huyết.

Bảng Cân Nặng Thai Nhi Tuần 40

Con bằng quả dưa hấu Lớn (3.5kg – 51.2cm)

Phần lớn thai nhi đều sinh ra trong tuần này, nhưng chỉ có 5% thai nhi sinh ra đúng ngày sinh dự kiến, bởi vì ngày sinh dự kiến cũng có những sai số nhỏ, trước 2 tuần hoặc chậm 2 tuần cũng là bình thường, không cần thiết phải lo lắng. Nhưng nếu quá 2 tuần rồi mà vẫn chưa có dấu hiệu sinh, đặc biệt là số lần thai máy ít thấy rõ, thì nên đến bệnh viện kiểm tra ngay. Các bác sĩ sẽ nhanh chóng tìm ra phương pháp thích hợp để thai nhi được chào đời. Khoảnh khắc trọng đại của cuộc đời một con người chuẩn bị bắt đầu. Mười tháng mang thai, một cuộc sinh nở, tất cả những gian khổ đều sắp kết thúc, một sinh linh mà bạn trông đợi đã lâu chuẩn bị được đặt vào trong lòng mẹ rồi. Bây giờ các bác sĩ có thể căn cứ vào tình trạng sức khỏe của thai nhi và mẹ để xác định phương pháp sinh nở. Đa phần các bà bầu đều có thể tự sinh em bé, tức là sinh nở qua ngã âm đạo, đây là phương pháp sinh tự nhiên nhất và lành mạnh nhất, cũng có lợi cho sự phát triển của em bé sau này. Không nên vì sợ đau hoặc để duy trì vóc dáng mà lựa chọn phương pháp mổ đẻ. Đặc biệt, các sản phụ nên nghe theo lời khuyên của bác sĩ để lựa chọn phương pháp sinh cho phù hợp.

Khi đang mang trong mình một sinh linh bé bỏng, bạn có biết bé phát triển như thế nào không? Có rất nhiều yếu tố quan trọng trong thời gian này bạn cần phải chú ý đấy…

Tính Tuổi Thai Thế Nào?

Tuổi thai được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng đến ngày sanh dự kiến, trung bình là 280 ngày hay 40 tuần hay 9 tháng 10 ngày theo dương lịch. Thời gian mang thai được chia thành 3 tam cá nguyệt: đó là những cột mốc sản khoa quan trọng, vì nó liên quan đến sự phát triển và khả năng sống của thai nhi. Nếu thai kỳ chấm dứt trước tam cá nguyệt thứ 3 (trước tuần lễ thứ 28) thì được gọi là sẩy thai. Khả năng thai sanh non có thể sống khi thai kỳ tiến đến 3 tháng cuối.

Các Giai Đoạn Phát Triển Của Thai Nhi Qua 3 Thời Kỳ

– Thời kỳ trứng: trứng sau khi thụ thai trong khi di chuyển từ vòi trứng vào buồng tử cung và vùi vào bề dày lớp nội mạc tử cung vẫn tiếp tục thực hiện hoạt động phân chia thành nhiều tế bào để tạo phôi. Thời kỳ này kéo dài 2 tuần.

– Thời kỳ phôi thai: từ tuần thứ 3 đến tuần thứ 8 sau khi thụ thai. Đây là thời kỳ sắp xếp tổ chức với sự hình thành của phần đầu thai. Cuối thời kỳ này đã có sự hình thành của mắt, mũi, miệng, tai ngoài. Tứ chi có những chồi ngón. Đa số những bộ phận chính của cơ thể như hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa đã được thành lập. Nếu có rối loạn trong sự phát triển của phôi thai trong thời kỳ này sẽ gây ra dị dạng thai nhi.

– Thời kỳ thai nhi: từ tuần thứ 9 sau thụ thai đến khi sanh. Đây là thời kỳ hoàn chỉnh tổ chức. Thai nhi đã có đủ các bộ phận, chỉ còn việc lớn dần lên, chẳng hạn như bộ phận sinh dục ngoài chỉ được nhận rõ vào tuần lễ thứ 16; chức năng vận động bắt đầu từ sau tuần 16 nên bà mẹ cảm thấy thai máy vào tháng thứ tư; đến tháng thứ bảy thì ngón tay ngón chân có móng. Vì vậy, nếu có rối loạn về sự phát triển thai nhi trong thời kỳ này thì chỉ có thể gây biến dạng mà không gây dị tật thai nhi. Khi thai được 7 tháng, cân nặng khoảng 1.100g. Sau đó, mỗi tháng thai cân nặng thêm 700g. Đến lúc đủ ngày tháng thì thai nhi cân nặng trung bình từ 3.000 – 3.200g.

Một Số Yếu Tố Có Thể Dẫn Đến Sự Phát Triển Bất Thường

– Yếu tố di truyền: bất thường nhiễm sắc thể (NST) chiếm 20-25% các trường hợp dị tật bẩm sinh. Khoảng 50% các trường hợp sẩy thai là hậu quả của sự bất thường về NST.

– Yếu tố nhiễm trùng: mẹ nhiễm Cytomegalovirus, giang mai, Rubella, Toxoplasmosis (3-5%).

– Yếu tố do mẹ: tiểu đường, động kinh, uống rượu (# 4%).

– Yếu tố dược phẩm, hóa chất: mẹ sử dụng một số thuốc có thể làm tổn thương thai nhi nhất là trong 8 tuần đầu của thai kỳ (Thalidomide, Tetracycline, nội tiết tố như Diethylstilbesterol, Androgen; thuốc chống ung thư, thuốc kháng đông máu, thuốc kháng giáp trạng), mẹ nhiễm tia xạ.

– Yếu tố khác: Đa số các trường hợp (65-75%) không biết rõ nguyên nhân.

Trong suốt thời gian nằm trong tử cung, thai sống hoàn toàn ký sinh vào người mẹ. Do đó, dinh dưỡng và sức khỏe của mẹ có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi. Vì những loại vi trùng, thuốc men có thể đi qua bánh nhau đến thai nhi, nên người mẹ phải lưu ý việc giữ gìn sức khỏe, tránh tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm. Khi sử dụng thuốc phải hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để tránh những tác dụng có hại đến sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là trong tam cá nguyệt đầu. Khi vừa trễ kinh, nên đi khám để được làm xét nghiệm chẩn đoán thai. Khám thai định kỳ hoặc ít nhất 3 lần trong một thai kỳ, thai phụ sẽ được theo dõi sự phát triển của thai nhi, nhờ đó, có thể phát hiện sớm những bất thường của thai cũng như những tình trạng bệnh lý của mẹ có nguy cơ trên thai nhi để kịp thời xử lý.

Avatar
Ngọc Yến
Mình là Yến Ngọc. Mình tạo blog để lấy tin từ các nguồn khác nhau phục vụ bạn đọc. Blog của mình chuyên các tin, review về mẹ và bé. Mong là website của mình sẽ giúp ích ít nhiều cho các bạn. Chúc các bạn ngày làm việc vui vẻ !

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

21,913FansLike
2,506FollowersFollow
0SubscribersSubscribe
- Advertisement -

Latest Articles