Bệnh quai bị ở trẻ em trai thường khiến bé bị sốt, đau đầu, viêm sưng tuyến mang tai, viêm tinh hoàn… Nếu bé không được chữa trị bệnh đúng cách có thể gặp những biến chứng nặng, mà trong đó có vô sinh.
Nội dung bài viết
- Bệnh quai bị có lây không?
- Dấu hiệu của bệnh quai bị ở trẻ em trai
- Biến chứng của bệnh quai bị ở trẻ em trai
- Cách điều trị quai bị cho bé trai
- Bé bị quai bị rồi có bị lại không?
- Cách phòng ngừa bệnh quai bị ở trẻ em trai

Bệnh quai bị ở trẻ em trai: Triệu chứng, biến chứng, cách điều trị và phòng ngừa
Bệnh quai bị thường hay gặp ở trẻ em, phổ biến nhất là các bé trong độ tuổi từ 2-15 tuổi. Bệnh nếu không được chữa trị đúng cách sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là gây vô sinh đối với các bé trai.
Hãy cùng tìm hiểu triệu chứng và biến chứng của bệnh quai bị ở trẻ em trai để bạn có hướng điều trị cũng như chăm sóc bé yêu tốt nhất nhé.
Bệnh quai bị có lây không?
Đây là một loại bệnh có thể lây lan qua đường hô hấp do virus paramyxoviridae gây ra. Virus có trong các hạt nước bọt hoặc tiết mũi họng bắn ra ngoài không khí khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện… và lây sang người khỏe mạnh.

Bệnh u não ở trẻ em sẽ chữa được nếu mẹ điều trị kịp thời cho con
U não ở trẻ em hình thành từ các tế bào phát triển bất thường trong não. Khối u có thể gây ảnh hưởng đến chức năng của cơ thể nếu làm tăng áp lực lên các khu vực não. Tuy nhiên, đây là bệnh có thể chữa được nếu mẹ điều trị kịp thời cho con.
Dấu hiệu của bệnh quai bị ở trẻ em trai
Dấu hiệu bệnh quai bị thường rất đa dạng và tùy thuộc vào từng đối tượng mắc bệnh. Bệnh quai bị ở trẻ em trai thường có những biểu hiện dưới đây.
Các dấu hiệu của nhiễm virus: Đau đầu, đau nhức xương khớp, mệt mỏi, suy nhược cơ thể…
Sốt cao đột ngột: Sau khi sốt từ 1-2 ngày, bé sẽ xuất hiện viêm sưng tuyến mang tai (hay còn gọi là viêm tuyến nước bọt). Lúc đầu thường sưng một bên dưới mang tai. Sau đó, tiếp tục sang bên kia. Hầu hết trẻ thường sưng cả hai bên, ít gặp chỉ sưng một bên. Do đó, bé thường khó nhai, khó nuốt.
Triệu chứng sưng và đau tinh hoàn ở trẻ em trai: Quai bị sẽ làm bộ phận sinh dục bé trai có vài điểm bất thường. Tinh hoàn bị sưng to, đau. Da bìu bé phù nề rõ rệt, căng, bóng và đỏ. Ở trường hợp nặng, bé có thể bị viêm thừng tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn, thậm chí cả tràn dịch màng tinh hoàn.
Viêm tinh hoàn thường chỉ xảy ra một bên, tỷ lệ viêm tinh hoàn cả 2 bên ít gặp. Khi bị viêm tinh hoàn, trẻ xuất hiện sốt trở lại, thân nhiệt đôi khi còn tăng hơn cả lúc ban đầu sốt do viêm tuyến nước bọt.
Viêm tinh hoàn thường kéo dài từ 3-5 ngày là hết sốt, độ sưng nề và đau sẽ giảm dần. Sau 3-4 tuần, bé mới hết sưng và hết đau hẳn.
Biến chứng của bệnh quai bị ở trẻ em trai
Bệnh quai bị ở trẻ em trai nếu không được chữa trị sớm và đúng cách sẽ dẫn đến biến chứng vô cùng nguy hiểm. Một số biến chứng của bệnh quai bị ở trẻ em trai như sau:
• Điếc tai: Xảy ra ở giai đoạn khởi phát do virus quai bị gây tổn thương đến tai. Biến chứng điếc tai do chứng quai bị rất khó hồi phục, thường là điếc một bên tai, hiếm gặp cả hai tai.
• Viêm não: Virus quai bị sau khi xâm nhập vào cơ thể có thể tấn công hệ thần kinh trung ương, làm tăng nguy cơ viêm màng não, viêm não hoặc dị tật tiểu não.
• Viêm tinh hoàn ở bé trai: Trẻ bị quai bị có vô sinh không? Có khoảng 20% trẻ bị quai bị gặp biến chứng là viêm tinh hoàn và có đến 0,5% trường hợp có nguy cơ teo tinh hoàn dẫn đến vô sinh sau này.
• Những biến chứng nặng khác: Trẻ bị quai bị ở trường hợp nặng hơn có thể gặp những biến chứng như nhồi máu phổi, viêm cơ tim, viêm màng não.
Cách điều trị quai bị cho bé trai
Khi bé mắc quai bị, bố mẹ nên đưa con đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời nhằm hạn chế biến chứng có thể xảy ra.
Hiện nay, không có phương pháp điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng, giúp bé giảm đau và cảm thấy dễ chịu hơn. Trong hầu hết các trường hợp bệnh, trẻ có thể hồi phục sau 2 tuần.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể kết hợp cách chăm sóc bé trai bị quai bị tại nhà bằng các phương pháp dưới đây:
- Cho bé nghỉ ngơi đầy đủ.
- Không cho bé tiếp xúc với nhiều người để ngăn ngừa lây truyền virus quai bị.
- Dùng túi đá chườm bên mang tai, hàm…
- Uống nước nhiều để bù dịch.
- Ăn thức ăn nhẹ, dễ nuốt như súp, sữa chua và bổ sung đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất.
- Không nên ăn thực phẩm có vị chua, như trái cây, nước ép cam quýt vì sẽ kích thích tiết nước bọt.
- Hạ sốt bằng paracetamol theo chỉ định từ bác sĩ.
- Với những trẻ em bị viêm tinh hoàn cần được bác sĩ kiểm tra ngay. Trẻ cần được nghỉ ngơi, hạn chế chạy, nhảy, vận động mạnh. Bé cần mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau và dùng corticoid liều cao ngay từ đầu, thường dùng prednisolon 60mg/ngày rồi dần hạ liều xuống.

Các bệnh về lưỡi ở trẻ em: Mẹ biết rõ để phòng ngừa cho con tốt hơn
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những đối tượng có khả năng cao mắc các bệnh liên quan đến khoang miệng, cụ thể là các bệnh về lưỡi. Các bệnh về lưỡi ở trẻ em thường gặp nhất là viêm lưỡi bản đồ, viêm lưỡi bệnh lý, lưỡi trắng,… thậm chí là cả ung thư lưỡi.
Bé bị quai bị rồi có bị lại không?
Mỗi người chỉ mắc quai bị 1 lần trong đời. Sau khi bé bị nhiễm quai bị, cơ thể sẽ tồn tại các kháng thể trung hòa có tác dụng bảo vệ, mang đến khả năng miễn dịch suốt đời.
Tuy nhiên, người đã từng bị quai bị cũng không nên thoải mái tiếp xúc với người bệnh. Mỗi người cần có những biện pháp phòng tránh bệnh để bảo vệ sức khỏe của mình.
Cách phòng ngừa bệnh quai bị ở trẻ em trai
Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh quai bị ở trẻ em trai là bố mẹ nên cho con tiêm vắc-xin phòng bệnh. Hầu hết mọi người đều có thể phòng được bệnh nếu tiêm dưới dạng kết hợp sởi-quai bị-rubella (MMR II).
Tuy nhiên, phụ nữ mang thai không nên tiêm vắc-xin MMR II. Trong trường hợp đã lỡ tiêm mới biết mình có thai, bạn nên thông báo với bác sĩ sản khoa để được tư vấn chăm sóc và theo dõi thai kỳ phù hợp.
Bệnh quai bị ở trẻ em trai thường hay xảy ra biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến chức năng sinh sản trong tương lai. Vậy nên, bố mẹ nếu thấy các bé trai có dấu hiệu mắc bệnh quai bị thì chớ chủ quan mà hãy đưa trẻ đi bệnh viện ngay. Bé được điều trị từ sớm có thể tránh được những biến chứng như viêm tuyến nước bọt hay viêm tinh hoàn đấy.
Ngọc Hoa
Nguồn: https://kidshealth.org/en/parents/mumps.html
https://www.nationwidechildrens.org/conditions/mumps
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/mumps/symptoms-causes/syc-20375361