22 C
Hanoi
Friday, March 29, 2024

Buy now

Các bệnh tuyến vú lành tính hay gặp mà các mẹ cần phải biết

Mô tuyến vú được cấu tạo như thế nào?

Mô vú được cấu tạo bởi tuyến sữa, mô mỡ và mô xơ. Mỗi vú có từ 15-20 thùy vú. Mỗi thùy cấu tạo bởi nhiều tiểu thùy, cuối mỗi tiểu thùy là các tuyến nhỏ tiết sữa.

Sự thay đổi của mô tuyến vú trong quá trình sống

Mô vú thay đổi theo nồng độ hormone (hóc-môn) estrogen và progesterone trong chu kỳ kinh nguyệt, trong quá trình mang thai, cho con bú và thời kỳ mãn kinh. Sự thay đổi nồng độ hormone dẫn đến sự thay đổi lượng dịch trong vú. Điều này có thể khiến cho vú trở nên tăng nhạy cảm hoặc gây cảm giác đau. Sự thay đổi này dễ nhận ra khi sử dụng thuốc tránh thai hoặc các liệu pháp hormone.

Thế nào là các bệnh lành tính về vú?

Các bệnh lành tính về vú là các biến đổi của mô vú mà không mang tính chất của ung thư. Có 4 loại như sau:

1. Xơ nang tuyến vú

2. U nang tuyến vú

3. Bướu sợi tuyến

4. Viêm tuyến vú

 

Các bệnh lành tính có thể gặp ở tuyến vú | Vinmec

Hình minh họa: Các bệnh tuyến vú lành tính (Nguồn ảnh: tuoitre.vn)

Xơ nang tuyến vú

Xơ nang tuyến vú là gì?

Xơ nang tuyến vú là khi vú bị sưng, nổi cục và có cảm giác đau khi sờ vào. Trạng thái này thường gặp trong thời kỳ sinh đẻ nhưng cũng có thể xảy ra đối với phụ nữ sử dụng liệu pháp hormone sau mãn kinh.

Có cách điều trị cho xơ nang tuyến vú không?

Không có cách điều trị cho xơ nang tuyến vú, nhưng thực hiện các cách sau có thể làm giảm triệu chứng:

  • Chườm nóng hoặc lạnh lên tuyến vú
  • Sử dụng thuốc kháng viêm (nonsteroidal anti-inflammatory drug, NSAID), ví dụ như Ibuprofen
  • Sử dụng áo nịt ngực đúng cỡ

U nang tuyến vú

U nang tuyến vú là gì?

U nang tuyến vú là các túi nhỏ chứa dịch hình thành trong vú. Các nang này có thể có rất nhiều kích cỡ khác nhau. Một số nang khi sờ vào có cảm giác như trái nho bé hoặc như bong bóng chứa nước, nhưng một số có thể cứng hơn. Có thể thấy đau khi sờ vào vùng có nang. Các nang có thể trở nên to hơn ngay trước kỳ kinh. Chúng thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi 25-50 và thường tự biến mất sau mãn kinh. Đối với một số phụ nữ sử dụng liệu pháp hormone, các nang có thể vẫn tồn tại sau mãn kinh.

Điều trị u nang tuyến vú như thế nào?

Không cần điều trị gì trừ khi các nang to và đau. Nếu các nang gây cảm giác khó chịu, bác sĩ có thể hút dịch bằng cách hút qua kim tiêm nhỏ (fine-needle aspiration). Cũng có thể phẫu thuật để bóc nang. Có thể sử dụng thuốc tránh thai uống để ngăn nang xuất hiện trở lại.

Bướu sợi tuyến

Bướu sợi tuyến là gì?

Bướu sợi tuyến là bướu cứng xuất hiện nhiều nhất ở phụ nữ trẻ. Bướu sợi tuyến có thể xảy ra ở cả hai bên vú. Cục bướu thường tròn và có giới hạn rõ ràng. Chúng thường không gây đau.

Điều trị bướu sợi tuyến như thế nào?

Trong nhiều trường hợp không cần phải làm gì với bướu sợi tuyến. Tuy nhiên một số phụ nữ quyết định phẫu thuật loại bỏ bướu (lumpectomy).

Viêm tuyến vú

Viêm tuyến vú là gì?

Viêm tuyến vú xảy ra khi mô tuyến vú bị nhiễm trùng. Thường gặp nhất ở phụ nữ đang nuôi con bú bằng sữa mẹ: ống dẫn sữa bị tắc và không lưu thông như bình thường. Nhiễm trùng cũng có thể xảy ra do nguyên nhân khác không liên quan đến việc có thai và cho con bú. Viêm tuyến vú có thể gây các triệu chứng giống cảm cúm như sốt, đau người và mệt mỏi. Người bệnh cũng có thể cảm thấy vú sưng, đau, có các vệt đỏ và cảm giác nóng khi bị sờ vào.

Điều trị viêm tuyến vú như thế nào?

Cách điều trị viêm tuyến vú phụ thuộc vào loại nhiễm trùng, bao gồm: hút hết sữa khỏi bầu vú, sử dụng kháng sinh hoặc chườm khăn ấm lên vú trong vòng 15-20 phút vài lần trong ngày. Phụ nữ sử dụng kháng sinh vẫn có thể cho con bú hoặc sử dụng máy hút sữa để tránh vú căng tức do ứ sữa.

Nên làm thế nào khi bạn phát hiện khối u ở vú?

Nếu bạn phát hiện khối u bất thường ở vú, hãy liên hệ với bác sĩ. Bác sĩ sẽ kiểm tra bên ngoài khu vực xung quanh vú (gọi là khám vú lâm sàng). Dựa trên kết quả này, bác sĩ sẽ quyết định xem có phải làm các xét nghiệm khác hay không.

Chụp nhũ ảnh là gì?

Chụp nhũ ảnh được sử dụng như một xét nghiệm sàng lọc để kiểm tra khả năng bị ung thư vú (gọi là chụp nhũ ảnh sàng lọc) hoặc như một cách giúp chẩn đoán các vùng nghi ngờ bệnh lý hoặc có bệnh lý trên tuyến vú (gọi là chụp nhũ ảnh chẩn đoán). Phụ nữ từ 40-75 tuổi nên thực hiện xét nghiệm này định kỳ hàng năm. Phụ nữ trên 75 tuổi có thể gặp bác sĩ để được tư vấn về việc có nên tiếp tục làm xét nghiệm này hay không.

 

Chụp nhũ ảnh và các xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm những vấn đề về vú |  Vinmec

Chụp nhũ ảnh (Nguồn ảnh: en.wikipedia.org)

Phải làm gì nếu chụp nhũ ảnh cho thấy có khối u ở vú?

Nếu chụp nhũ ảnh phát hiện có khối u ở vú, bác sĩ sẽ cần phải thực hiện các xét nghiệm tiếp theo để tìm ra nguyên nhân. Các xét nghiệm tiếp theo có thể là siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).

Phải làm gì nếu kết quả các xét nghiệm tiếp theo bất thường?

Nếu kết quả các xét nghiệm tiếp theo bất thường, bệnh nhân có thể sẽ phải thực hiện sinh thiết (biopsy) để lấy bệnh phẩm. Có nhiều loại sinh thiết khác nhau. Việc thực hiện sinh thiết nào phụ thuộc vào kích cỡ và vị trí của khối u:

Chọc hút qua kim tiêm nhỏ: lấy mẫu mô nhỏ từ khối u nhỏ bằng cách sử dụng kim tiêm mỏng, nhỏ để hút mô từ cục u vào ống tiêm

Sinh thiết lõi (core biopsy): lấy mẫu bệnh phẩm bằng kim tiêm có đầu kim đặc biệt

Sinh thiết phẫu thuật hoặc cắt khối u: lấy một phần hoặc toàn bộ khối u bằng phẫu thuật

Giải thích thuật ngữ

  • Chụp cộng hưởng từ: là phương pháp sử dụng từ trường mạnh và sóng âm để quan sát các cấu trúc và các cơ quan bên trong cơ thể.
  • Chụp nhũ ảnh: là phương pháp dùng tia X để phát hiện ung thư vú.
  • Estrogen: là một loại hormone nữ do buồng trứng sản sinh ra.
  • Hormone: là một chất do cơ thể sản sinh ra để điều khiển sự hoạt động của các cơ quan.
  • Chọc hút qua kim tiêm nhỏ: là quá trình dùng kim tiêm nhỏ hút một phần mô bệnh phẩm. Mô bệnh phẩm sau đó sẽ được xét nghiệm bằng cách quan sát dưới kính hiển vi để phát hiện tế bào ung thư.
  • Kháng sinh: thuốc dùng để chữa nhiễm trùng.
  • Lành tính: không có tính chất ung thư.
  • Liệu pháp hormone: là cách chữa trị dùng hormone estrogen hoặc progestin để làm giảm các triệu chứng do nồng độ hormone thấp trong cơ thể gây ra.
  • Mãn kinh: là thời gian khi buồng trứng không hoạt động nữa, được định nghĩa là thời gian sau khi mất kinh 1 năm.
  • Phẫu thuật cắt khối u: cắt bỏ hoàn toàn khối u ở vú bằng cách phẫu thuật
  • Progesterone: là một loại hormone nữ do buồng trứng sản sinh để chuẩn bị lớp nội mạc tử cung cho việc thụ thai.
  • Siêu âm: là phương pháp dùng sóng âm để kiểm tra nội tạng.
  • Sinh thiết: là quá trình lấy một mẫu mô nhỏ để xét nghiệm bằng cách quan sát dưới kính hiển vi.
  • Xét nghiệm sàng lọc: là xét nghiệm dùng để phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh trong khi bệnh nhân không biểu hiện các triệu chứng bên ngoài.

Nếu bạn có thêm thắc mắc, hãy đến gặp bác sĩ phụ khoa

Bài này được thiết kế để trợ giúp bệnh nhân, chứ không mô tả toàn bộ quá trình điều trị cần thiết và do đó không nên bỏ qua các phương pháp khác có thể. Tuỳ thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân, điều kiện của cơ sở y tế mà các phương pháp điều trị có thể có thay đổi.

Tài liệu tham khảo

Benign breast problems and conditions (pdf) – FAQ026 Gynecologic Problems – The American College of Obstericiana and Gynecologists

Avatar
Ngọc Yến
Mình là Yến Ngọc. Mình tạo blog để lấy tin từ các nguồn khác nhau phục vụ bạn đọc. Blog của mình chuyên các tin, review về mẹ và bé. Mong là website của mình sẽ giúp ích ít nhiều cho các bạn. Chúc các bạn ngày làm việc vui vẻ !

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

21,913FansLike
2,506FollowersFollow
0SubscribersSubscribe
- Advertisement -

Latest Articles