Home Mẹ bầu cần biết Các bệnh hay gặp Hội chứng buồng trứng đa nang và cách điều trị buồng trứng đa nang

Hội chứng buồng trứng đa nang và cách điều trị buồng trứng đa nang

0
Hội chứng buồng trứng đa nang và cách điều trị buồng trứng đa nang

Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là gì?

Các dấu hiệu và triệu chứng PCOS thường gặp bao gồm:

  • Chu kì kinh nguyệt bất thường – không ra kinh (vô kinh) hoặc hành kinh quá nhiều, không thể dự đoán được.
  • Vô sinh – PCOS là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây vô sinh ở nữ giới.
  • Béo phì – có tới 80% phụ nữ có PCOS bị béo phì.
  • Lông tóc phát triển quá mức trên vùng mặt, ngực, bụng, hoặc đùi trên – bệnh này được gọi là bệnh rậm lông, xuất hiện ở hơn 70% phụ nữ có PCOS.
  • Bị mụn trứng cá nặng hoặc mụn trứng cá xảy ra sau tuổi vị thành niên và không đáp ứng với điều trị thông thường
  • Da tăng tiết chất nhờn
  • Xuất hiện các mảng da dày, xạm, mượt như nhung gọi là bệnh gai đen
  • Có nhiều nang nhỏ trên buồng trứng

Nguyên nhân gây PCOS là gì?

Buồng trứng đa nang sinh con được không? Phương pháp điều trị

Hình 1: Buồng trứng đa nang

Nguyên nhân của PCOS, người ta cho rằng PCOS có thể liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau xảy ra đồng thời. Những yếu tố này bao gồm kháng insulin, tăng nồng độ nội tiết tố androgen, và chu kỳ kinh nguyệt không đều.

Kháng insulin là gì?

Kháng insulin là một bệnh khi mà các tế bào của cơ thể không đáp ứng với tác dụng của insulin. Khi cơ thể không đáp ứng với insulin, nồng độ glucose trong máu tăng lên cao hơn bình thường, có thể dẫn đến bệnh tiểu đường. Kháng insulin còn có thể làm tăng sản xuất insulin do cơ thể cố gắng để di chuyển glucose vào tế bào. Nồng độ insulin cao có thể gây thèm ăn và gây mất cân bằng các hormone khác. Kháng insulin cũng có liên quan với bệnh gai đen.

Nồng độ nội tiết tố androgen cao dẫn đến điều gì?

Khi nội tiết tố androgen được sản xuất nhiều hơn mức bình thường, có thể ngăn cản sự rụng trứng của buồng trứng. Nồng độ androgen cao còn gây ra chứng rậm lông và mụn trứng cá, gặp rất nhiều ở phụ nữ có PCOS.

Kinh nguyệt không đều có thể dẫn đến điều gì?

Chu kỳ kinh nguyệt không đều có thể dẫn đến vô sinh. Ở một số phụ nữ, chu kỳ kinh nguyệt không đều còn có thể dẫn đến sự phát triển của nhiều nang nhỏ trên buồng trứng.

Phụ nữ có PCOS có thể gặp phải những nguy cơ sức khỏe nào?

PCOS ảnh hưởng không chỉ ở hệ sinh sản mà đến tất cả các vùng của cơ thể. Nó làm tăng nguy cơ mắc phải những bệnh nghiêm trọng có thể để lại di chứng suốt đời.

Kháng insulin làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch. Một bệnh khác có liên quan với PCOS là hội chứng chuyển hóa cũng làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh tiểu đường và bệnh tim.

Phụ nữ có PCOS có xu hướng tăng sinh nội mạc tử cung, làm nội mạc tử cung trở nên quá dày. Tình trạng này làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.

Hiện nay đã có những phương pháp điều trị PCOS nào?

Hiện này đã có rất nhiều phương pháp khác nhau để giải quyết các vấn đề của PCOS. Điều trị được thiết kế phù hợp cho từng phụ nữ dựa trên các triệu chứng, các vấn đề sức khỏe khác, và việc liệu cô ấy có muốn mang thai hay không.

Thuốc tránh thai phối hợp được sử dụng để điều trị PCOS như thế nào?

Thuốc tránh thai phối hợp chứa estrogen và progestin có thể được sử dụng để điều trị lâu dài ở phụ nữ có PCOS nhưng không có ý định mang thai. Thuốc giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, làm giảm rậm lông và mụn trứng cá bằng cách giảm nồng độ androgen. Ngoài ra thuốc còn góp phần làm giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.

Giảm cân mang lại những hiệu quả nào đối với phụ nữ có PCOS?

Đối với phụ nữ thừa cân, việc giảm cân giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, chỉ cần giảm khoảng 10-15 Pounds (1 Pound ~ 450 gam) đã cho thấy hiệu quả. Việc giảm cân còn giúp cải thiện nồng độ cholesterol, insulin và làm giảm các triệu chứng như tăng trưởng tóc quá mức và mụn trứng cá.

Thuốc làm tăng nhạy cảm với insulin có thể giúp điều trị PCOS như thế nào?

Thuốc làm tăng nhạy cảm với insulin dùng để điều trị bệnh tiểu đường và thường xuyên được sử dụng trong điều trị PCOS. Những loại thuốc này giúp cơ thể tăng đáp ứng với insulin. Ở phụ nữ có PCOS, thuốc có thể giúp làm giảm nồng độ androgen và cải thiện sự rụng trứng từ đó làm cho chu kỳ kinh nguyệt đều đặn hơn và dễ dự đoán hơn.

Cần phải làm những gì để tăng cơ hội mang thai cho phụ nữ có PCOS?

Để mang thai, trước tiên cần phải có sự rụng trứng. Đối với phụ nữ thừa cân, việc giảm cân cũng đóng vai trò rất quan trọng cho mục tiêu này. Thuốc cũng có thể được sử dụng để gây rụng trứng. Khi các phương pháp điều trị thông thường không hiệu quả thì có thể thực hiện phẫu thuật trên buồng trứng. Tuy nhiên, ảnh hưởng lâu dài của các biện pháp trên hiện nay vẫn chưa được làm rõ.

Chú giải

  • Bệnh gai đen: Xuất hiện các mảng da dày, xạm, mượt như nhung, thỉnh thoảng có kèm với kháng insulin.
  • Nội tiết tố androgen: là hormone steroid được sản xuất bởi tuyến thượng thận hoặc buồng trứng, làm tăng các đặc tính nam chẳng hạn như việc mọc râu và giọng trầm.
  • Bệnh tim mạch: Bệnh của tim và mạch máu.
  • Tế bào: Đơn vị nhỏ nhất của cấu trúc trong cơ thể; tham gia xây dựng tất cả các bộ phận của cơ thể.
  • Cholesterol: Chất tự nhiên đóng vai trò giúp cho sự hình thành các tế bào và hormone, giúp mang chất béo qua các mạch máu để sử dụng hoặc dự trữ trong các bộ phận khác của cơ thể.
  • U nang: một túi chứa đầy chất lỏng hoặc các chất khác.
  • Đái tháo đường: một bệnh mà có nồng độ đường trong máu quá cao.
  • Tăng sinh nội mạc tử cung: Một bệnh mà trong đó niêm mạc tử cung phát triển quá dày, nếu không được điều trị trong một thời gian dài, nó có thể dẫn đến ung thư.
  • Nội mạc tử cung: Lớp niêm mạc của tử cung.
  • Estrogen: Một nội tiết tố nữ sản xuất trong buồng trứng.
  • Glucose: một loại đường có trong máu và là nguồn năng lượng chính của cơ thể.
  • Chứng rậm lông: mọc quá nhiều lông trên vùng mặt, bụng, và ngực.
  • Hormone/Nội tiết tố: chất được sản xuất bởi cơ thể để điều khiển chức năng của các cơ quan khác nhau.
  • Vô sinh: bệnh mà một đôi vợ chồng không thể có thai sau 12 tháng khi không sử dụng bất kì biện pháp tránh thai nào.
  • Insulin: Một loại hormone làm giảm nồng độ glucose (đường) trong máu.
  • Hội chứng chuyển hóa: Sự kết hợp của nhiều yếu tố góp phần gây bệnh tiểu đường và bệnh tim.
  • Buồng trứng: Hai tuyến sản xuất hormone nằm ​​ở hai bên của tử cung, có chứa trứng được giải phóng vào mỗi kì rụng trứng.
  • Rụng trứng: Sự giải phóng một quả trứng từ một trong hai buồng trứng.
  • Progestin: Một dạng progesterone tổng hợp, tương tự như các hormone được sản xuất tự nhiên bởi cơ thể.

Tài liệu tham khảo

http://www.acog.org/~/media/For%20Patients/faq121.ashx

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here