Home Mẹ bầu cần biết Lạc nội mạc tử cung là gì ? nguyên nhân và cách điều trị

Lạc nội mạc tử cung là gì ? nguyên nhân và cách điều trị

0
Lạc nội mạc tử cung là gì ? nguyên nhân và cách điều trị

Lạc nội mạc tử cung là gì?

Lạc nội mạc tử cung là bệnh lý trong đó nội mạc tử cung (là lớp màng lót bên trong tử cung) lạc chỗ đến một vị trí khác bên ngoài tử cung.

Lạc nội mạc tử cung có phổ biến không?

Lạc nội mạc tử cung xảy ra với tỉ lệ 1/10 đối với phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ. Bệnh này thường được tìm thấy ở phụ nữ trong độ tuổi 30 đến ngoài 40.

Lạc nội mạc tử cung thường xảy ra ở vị trí nào?

Mô bệnh lạc chỗ (còn gọi là mô cấy – “implant”) thường được tìm thấy ở các vị trí sau:

  • Màng bụng
  • Buồng trứng
  • Ống dẫn trứng
  • Mặt ngoài của tử cung, bàng quangniệu quản, ruột và trực tràng
  • Khoảng trống phía sau tử cung (còn gọi túi cùng sau: cul-de-sac)

Hình minh họa: Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung gây ra những tác hại nào?

Mô bệnh lạc chỗ phản ứng với sự thay đổi của nồng độ estrogen, một loại hormone ở nữ giới. Mô bệnh lạc chỗ có thể dày lên và gây chảy máu giống như chảy máu kinh vào kỳ kinh nguyệt. Điều này khiến cho các mô xung quanh có thể bị viêm và sưng tấy. Hiện tượng chảy máu của mô bệnh hàng tháng cũng có thể tạo ra mô sẹo, còn gọi là mô sẹo dính (adhesion). Đôi khi mô sẹo này khiến cho các cơ quan bị dính vào nhau. Hiện tượng chảy máu, viêm và hình thành mô sẹo có thể làm bệnh nhân thấy đau đớn, đặc biệt là trước và giữa kỳ kinh nguyệt.

Mối liên quan giữa vô sinh và lạc nội mạc tử cung

Khoảng 40% phụ nữ vô sinh bị lạc nội mạc tử cung. Hiện tượng viêm có thể gây hại cho tinh trùng hoặc trứng, hoặc cản trở việc di chuyển của chúng trong ống dẫn trứng và trong tử cung. Trong trường hợp bệnh nặng, các mô sẹo dính có thể làm tắc ống dẫn trứng.

Các triệu trứng của lạc nội mạc tử cung

Triệu chứng thông thường nhất của lạc nội mạc tử cung là đau bụng dưới kinh niên, đặc biệt là trước và trong khi hành kinh. Bệnh nhân cũng có thể bị đau khi quan hệ tình dục. Nếu mô bệnh lạc chỗ ở ruột, bệnh nhân có thể bị đau khi đại tiện. Nếu mô bệnh lạc chỗ ở bàng quang, bệnh nhân có thể bị đau khi đi tiểu. Máu kinh ra nhiều cũng là một triệu chứng của lạc nội mạc tử cung. Nhưng cũng có nhiều phụ nữ bị bệnh mà không có triệu chứng gì cả.

Phương pháp chẩn đoán

Bác sĩ phụ khoa có thể phát hiện lạc nội mạc tử cung thông qua khám phụ khoa tổng quát. Tuy nhiên chỉ có bằng phương pháp nội soi ổ bụng bác sĩ mới có thể chắc chắn là bạn bị bệnh này. Đôi khi bác sĩ sẽ lấy một phần mô bệnh khi nội soi ổ bụng để làm xét nghiệm. Quá trình này được gọi là sinh thiết (biopsy) bệnh phẩm.

Phương pháp điều trị

Phương pháp điều trị lạc nội mạc tử cung phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng, các triệu chứng của bệnh, và tùy thuộc vào việc bạn có muốn có con hay không. Bệnh có thể được điều trị bằng thuốc, hoặc phẫu thuật, hoặc cả hai. Nếu đau là vấn đề chính, phương pháp điều trị bằng thuốc sẽ được sử dụng đầu tiên.

Các thuốc dùng để điều trị lạc nội mạc tử cung

Các thuốc dùng để điều trị lạc nội mạc tử cung bao gồm thuốc giảm đau. Ví dụ như thuốc kháng viêm nonsteriod (nonsteriodal anti-inflammatory drugs, viết tắt là NSAIDs); các thuốc nội tiết như thuốc viên tránh thai kết hợp, thuốc tránh thai chỉ chứa progestin (progestin-only medications), và chất đồng vận (chất có tác dụng tương tự) của hormone giải phóng gonadotropin (gonadotropin-releasing hormone agonists). Thuốc nội tiết giúp làm giảm quá trình phát triển của mô bệnh và tránh hình thành mô sẹo mới. Tuy nhiên các thuốc này không thể làm tiêu mô bệnh vốn đã hình thành sẵn.

Phẫu thuật có thể điều trị lạc nội mạc tử cung bằng cách nào?

Phẫu thuật có thể giúp giảm đau và tăng khả năng sinh sản. Trong quá trình phẫu thuật, mô bệnh sẽ được cắt bỏ đi.

Phẫu thuật có điều trị khỏi lạc nội mạc tử cung không?

Đa phần phụ nữ không thấy đau nữa sau khi được phẫu thuật. Tuy nhiên, khoảng 40-80% phụ nữ bị đau trở lại trong vòng 2 năm sau phẫu thuật. Mức độ đau càng nhiều thì khả năng tái phát càng cao. Việc sử dụng thuốc tránh thai hoặc các thuốc khác sau khi phẫu thuật có thể kéo dài khoảng thời gian không bị đau.

Phải làm gì nếu bạn vẫn thấy đau nhiều sau khi điều trị

Nếu đau nhiều và cơn đau không thuyên giảm sau điều trị, phẫu thuật cắt bỏ tử cung có thể là biện pháp cuối cùng. Khả năng tái phát cũng thấp hơn nếu buồng trứng cũng bị cắt bỏ. Nếu bạn muốn giữ lại buồng trứng, khả năng tái phát sẽ thấp hơn nếu những mô bệnh lạc chỗ cũng bị cắt bỏ khi thực hiện phẫu thuật cắt bỏ tử cung.

Có khả năng rất thấp là cơn đau không hết ngay cả khi đã cắt bỏ tử cung và buồng trứng. Nguyên nhân có thể do mô bệnh hình thành ở nơi không thể nhìn thấy được hoặc không thể bị cắt bỏ khi phẫu thuật.

Chú giải

  • Chất đồng vận của hormone giải phóng gonadotropin: là loại thuốc dùng để ngăn chặn ảnh hưởng của các hormone nhất định.
  • Bàng quang: là túi cơ giữ nước tiểu trước khi thải ra ngoài.
  • Lạc nội mạc tử cung: là sự lạc chỗ của mô nội mạc tử cung, lớp lót bên trong tử cung đến một vị trí khác bên ngoài tử cung, thường là ở buồng trứng, ống dẫn trứng, và các cơ quan khác trong vùng chậu.
  • Buồng trứng: là hai tuyến nằm hai bên cạnh tử cung chứa trứng và sản xuất các hormone.
  • Estrogen: là một loại hormone nữ do buồng trứng sản sinh ra.
  • Hormone: là một chất do cơ thể sản sinh ra để điều khiển sự hoạt động của các cơ quan.
  • Khám phụ khoa tổng quá: là phương pháp kiểm tra cơ quan sinh dục nữ.
  • Mô sẹo dính: là mô sẹo mà khi hình thành làm dính các cơ quan vào với nhau.
  • Niệu quản: là ống nối thận với bàng quang.
  • Nội mạc tử cung: là lớp lót bên trong tử cung.
  • Ống dẫn trứng: là ống dẫn trứng từ buồng trứng đến tử cung.
  • Progestin: là dạng tổng hợp của progesterone, gần giống với dạng do cơ thể sản sinh.
  • Sinh thiết: là quá trình lấy một phần nhỏ của mô để xét nghiệm bằng cách quan sát dưới kính hiển vi.
  • Nội soi ổ bụng: là phương pháp phẫu thuật dùng một dụng cụ gọi là kính soi, được đưa vào vùng chậu qua những đường rạch da nhỏ trên thành bụng. Kính soi này được dùng để quan sát các cơ quan trong vùng chậu. Các dụng cụ khác được sử dụng cùng với kính soi để phẫu thuật.
  • Trực tràng: là đoạn cuối cùng của cơ quan tiêu hoá.
  • Tử cung: là một cơ quan nằm trong khung chậu nữ giới, chứa và nuôi dưỡng thai nhi trong quá trình mang thai.
  • Viêm: là trường hợp các cơ quan bị đau, sưng tấy, đỏ lên.
  • Vô sinh: là trường hợp không thụ thai sau 12 tháng quan hệ mà không dùng biện pháp tránh thai nào.

Chú ý

Nếu bạn có thêm thắc mắc, hãy đến gặp bác sĩ phụ khoa

Bài này được thiết kế để trợ giúp bệnh nhân, chứ không mô tả toàn bộ quá trình điều trị cần thiết, và do đó không nên bỏ qua các phương pháp khác có thể. Tuỳ thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân, điều kiện của cơ sở y tế mà các phương pháp điều trị có thể có thay đổi.

Tài liệu tham khảo

http://www.acog.org/~/media/For%20Patients/faq013.pdf?dmc=1&ts=20140214T1024222267

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here