18 C
Hanoi
Tuesday, March 19, 2024

Buy now

Sa niệu dục là gì ? điều trị sa niệu dục

Sa niệu dục xảy ra do tình trạng suy yếu của hệ thống cơ-dây chằng nâng đỡ các cơ quan trong khung xương chậu (vùng chậu) của người phụ nữ. Kết quả là một hoặc nhiều bộ phận – dạ con (tử cung), bàng quang hoặc trực tràng – có thể rơi (sa) vào âm đạo. Điều này có thể không gây triệu chứng gì. Tuy nhiên, nó cũng có thể gây cảm giác khó chịu ở âm đạo cũng như các triệu chứng khác như rối loại tiểu tiện và đại tiện. Có nhiều phương pháp điều trị khác nhau cho sa niệu dục và triển vọng nói chung là tốt.

Sa niệu dục là gì?

Các cơ quan bên trong vùng chậu của phụ nữ bao gồm tử cung (dạ con), bàng quang và ruột già (trực tràng). Thông thường, chúng được nâng đỡ và giữ đúng vị trí bởi các dây chằng và cơ ở dưới cùng của xương chậu (cơ sàn chậu).

Sa niệu dục xảy ra khi các dây chằng và cơ suy yếu, không còn tác dụng. Kết quả là một (hoặc nhiều) các cơ quan trong vùng chậu bị rơi xuống (sa). Không gian để các cơ quan sa xuống là âm đạo. Mức độ sa tùy vào mức độ các cơ quan rơi vào trong âm đạo. Đôi khi, sa niệu dục có thể nặng đến mức các thành của âm đạo hoặc tử cung hoặc cả hai, lồi ra khỏi âm đạo và nhìn thấy được bên ngoài.

Phân loại sa niệu dục

Nhiều loại sa niệu dục có thể xảy ra tùy thuộc vào cơ quan rơi vào trong âm đạo. Nói chung, sa niệu dục có thể được chia như sau, tùy thuộc vào phần nào của vùng chậu bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, sa niệu dục có thể ảnh hưởng đến tất cả các phần khác nhau của vùng chậu cùng một lúc.

Sa các thành phần trước của vùng chậu

  • Sa niệu đạo (ống dẫn nước tiểu đi từ bàng quang ra ngoài) vào âm đạo. Thuật ngữ y học của sa niệu đạo là urethrocele.
  • Sa bàng quang vào âm đạo. Thuật ngữ y học là cystocele.
  • Hoặc cả niệu đạo và bàng quang có thể bị sa vào âm đạo cùng một lúc. Thuật ngữ y học cho trường hợp này là cystourethrocele. Đây là loại phổ biến nhất của sa niệu dục.

Sa các thành phần sau của vùng chậu

Sa ruột già (trực tràng) vào âm đạo. Thuật ngữ y học là rectocele. Đây là loại phổ biến thứ ba của sa niệu dục.

Sa các thành phần giữa của vùng chậu

  • Sa dạ con (tử cung) vào âm đạo, còn được gọi là sa tử cung. Nó là loại phổ biến thứ hai của sa niệu dục.
  • Nếu một người phụ nữ bị cắt bỏ tử cung, đoạn cuối của âm đạo – bình thường là nơi tiếp nối với cổ tử cung – sẽ được đóng lại. Đoạn đóng kín này của âm đạo được gọi là vòm âm đạo (vaginal vault). Vòm âm đạo có thể bị sa vào âm đạo. Hiện tượng này được gọi là sa vòm (vault prolapse).
  • Sa phần không gian giữa trực tràng và tử cung, còn gọi là túi cùng Douglas, vào trong âm đạo. Thuật ngữ y học cho trường hợp này là enterocele. Các quai ruột có thể hiện diện trong loại sa này.

Có bao nhiêu phụ nữ bị sa niệu dục?

Thật khó để ước tính có bao nhiêu phụ nữ bị sa niệu dục vì nhiều phụ nữ không đi khám bệnh để được giúp đỡ. Người ta cho rằng có đến 5 trong số 10 phụ nữ có con bị sa niệu dục nhưng chỉ có 1 hoặc 2 người phụ nữ trong 10 người là tìm đến bác sĩ tư vấn.

Nguyên nhân gây sa niệu dục?

Người ta cho rằng một số nguyên nhân sau đây có thể làm tăng nguy cơ phát triển sa niệu dục. Các nguyên nhân này bao gồm:

Sinh sản

Trong quá trình sinh con bình thường (sinh ngả âm đạo), các dây chằng, dây thần kinh và cơ xung quanh âm đạo bị căng quá mức, bao gồm cả các cơ ở sàn chậu. Căng cơ quá mức có thể gây tổn thương cho các cơ và làm cho chúng yếu hơn và giảm khả năng nâng đỡ. Tuy nhiên, sa niệu dục không xảy ra ở tất cả những người sinh con. Nó có khuynh hướng xảy ra ở những người gặp khó khăn trong quá trình sinh, thời gian chuyển dạ kéo dài, dùng dụng cụ để giúp sinh (kéo thai) hoặc sinh con to. Phụ nữ sinh con nhiều lần cũng có khả năng bị sa niệu dục. Sa phổ biến ở những phụ nữ đã sinh ngả âm đạo hơn là những người mổ lấy thai.

Lớn tuổi

Nguy cơ sa niệu dục tăng lên khi người phụ nữ lớn tuổi. Thiếu estrogen khi mãn kinh ảnh hưởng đến các cơ sàn chậu và các cấu trúc xung quanh âm đạo, làm cho chúng ít đàn hồi và giảm khả năng nâng đỡ.

Tăng áp lực ổ bụng

Bất cứ điều gì gây ra sự gia tăng áp lực trong ổ bụng và vùng chậu của người phụ nữ cũng có thể là một yếu tố nguy cơ phát triển của sa niệu dục. Điều này có thể xảy ra do sự căng phía trên dây chằng và cơ nâng đỡ. Lý do phổ biến nhất cho áp lực tăng lên này là trong quá trình mang thai và sinh con. Tuy nhiên, sự gia tăng áp lực trong ổ bụng cũng có thể xảy ra ở:

  • Phụ nữ thừa cân.
  • Phụ nữ có vấn đề về phổi mãn tính, chẳng hạn như ho mãn tính.
  • Phụ nữ thường xuyên bị táo bón.

Phẫu thuật phụ khoa

Nếu một người phụ nữ bị cắt bỏ tử cung hoặc tiền sử có các phẫu thuật phụ khoa khác, thì có thể có nhiều khả năng bị sa niệu dục. Điều này là do phẫu thuật có thể đã làm suy yếu dây chằng, cơ vùng chậu và các cơ chế hỗ trợ khác cho các cơ quan vùng chậu. Tuy nhiên, với những tiến bộ mới trong kỹ thuật phẫu thuật, bao gồm cả phẫu thuật nội soi, phẫu thuật phụ khoa hiện nay ít có nguy cơ dẫn đến sa niệu dục.

Các yếu tố khác

Rất hiếm khi sa niệu dục xảy ra do nguyên nhân bẩm sinh (sa niệu dục từ khi mới sinh), gây ra do thiếu hụt trong cơ thể một chất được gọi là collagen. Collagen là chất cần thiết để giúp hình thành các dây chằng hỗ trợ các cơ quan vùng chậu. Ngoài ra, người ta cho rằng những người có mẹ hay em gái bị sa niệu dục có nguy cơ bị sa niệu dục cao hơn.

Các triệu chứng của sa niệu dục là gì?

Bạn có thể bị sa niệu dục và không có bất kỳ triệu chứng gì. Sa niệu dục được phát hiện khi bạn đi khám vì lý do khác, ví dụ khi kiểm tra cổ tử cung.

Tuy nhiên, thông thường bệnh sẽ có một số triệu chứng để nhận biết. Có những triệu chứng mà tất cả các loại sa có thể có. Chúng bao gồm cảm giác của một khối u trong âm đạo của bạn hoặc bạn có cảm giác có cái gì đó “kéo xuống” hoặc “đi xuống”. Bạn thực sự có thể cảm nhận được một khối u hoặc một khối lồi. Bạn có thể cảm thấy đau trong âm đạođau lưng hoặc bụng. Đôi khi, bạn cũng có thể thấy dịch chảy ra từ âm đạo của bạn, có thể là máu hoặc có mùi hôi. Quan hệ tình dục có thể gây khó chịu hoặc đau đớn. Các triệu chứng thường nặng hơn khi đứng lâu và chúng được cải thiện sau khi nằm xuống.

Các triệu chứng khác mà bạn có thể gặp phải tuỳ thuộc vào loại sa mà bạn có. Chúng có thể bao gồm những điều sau đây:

Triệu chứng tiết niệu

Bạn có thể có các triệu chứng tiết niệu nếu bạn bị sa phần trước của vùng chậu (niệu đạo và bàng quang). Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Đi tiểu thường xuyên, cả ban ngày và ban đêm.
  • Són tiểu khi ho, hắt hơi, cười, căng thẳng hoặc nâng tạ.
  • Cảm thấy một sự thôi thúc đột ngột để đi tiểu, đôi khi bị són tiểu trước khi vào nhà vệ sinh.
  • Dòng tiểu ngắt quãng.
  • Tiểu lắt nhắt, tiểu không hết dẫn đến mắc tiểu liên tục.
  • Phải thay đổi tư thế khi đi vệ sinh hoặc phải dùng ngón tay để đẩy các bộ phận sa lên trên mới tiểu được.

Ngoài ra, có thể xảy ra các biến chứng bao gồm:

  • Nhiễm trùng tiểu.
  • Tiểu không tự chủ.
  • Bí tiểu, trong trường hợp nặng cần đặt một ống sonde tiểu vào bàng quang để dẫn lưu nước tiểu ra ngoài.

Triệu chứng tiêu hoá

Bạn có thể bị những triệu chứng tiêu hoá nếu bạn bị sa phần sau của vùng chậu (trực tràng). Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Khó đại tiện, rặn khó.
  • Nhu cầu đi đại tiện cấp bách.
  • Cảm giác đại tiện không hết.
  • Không kiểm soát được quá trình đại tiện.
  • Xì hơi nhiều.
  • Cảm thấy có sự tắc nghẽn trong khi đại tiện.
  • Phải ấn vùng đáy chậu để đại tiện dễ hơn.

Các triệu chứng khác

Nếu khối sa đủ lớn và nhô ra khỏi âm đạo, có thể dẫn đến viêm loét cổ tử cung hoặc viêm da. Đôi khi có thể gây chảy máu và nhiễm trùng.

Lưu ý: Bạn có thể có nhiều triệu chứng kết hợp nếu bị sa nhiều bộ phận khác nhau của vùng chậu cùng một lúc.

Sa niệu dục được chẩn đoán như thế nào?

Sa niệu dục thường được chẩn đoán bởi một cuộc kiểm tra đơn giản ở âm đạo. Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nằm nghiêng về bên trái, đầu gối hơi cong về phía ngực của bạn. Nếu bạn bị sa niệu dục nặng, bác sĩ cũng có thể yêu cầu khám bạn ở tư thế đứng.

Khi khám, bác sĩ sẽ đặt một dụng cụ đặc biệt gọi là mỏ vịt vào âm đạo của bạn. Đây là một dụng cụ được sử dụng tương tự như trong quá trình sàng lọc cổ tử cung nhưng nó có một hình dạng khác. Bác sĩ sẽ di chuyển mỏ vịt vào phía trước và phía sau thành của âm đạo để kiểm tra xem có sa hay không. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn ho hoặc rặn. Họ có thể sử dụng một dụng cụ khác giống một cái kẹp để kéo nhẹ mép trên cổ tử cung, để xem có sa tử cung hay không. Các động tác khám này thường không gây đau. Nếu bạn có triệu chứng tiêu hoá, bác sĩ có thể đề nghị kiểm tra trực tràng.

Những xét nghiệm có thể làm

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng tiết niệu nào như mô tả ở trên, bác sĩ có thể yêu cầu bạn lấy mẫu nước tiểu để gửi đến phòng xét nghiệm để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng. Họ cũng có thể đề nghị bạn xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng thận. Họ có thể giới thiệu bạn đến một chuyên gia để xét nghiệm chi tiết hơn về nước tiểu và bàng quang – ví dụ, một số xét nghiệm được gọi là thử nghiệm niệu động học. Đây là những xét nghiệm kiểm tra dòng chảy nước tiểu và chúng thường được thực hiện tại bệnh viện. Nếu bạn có những triệu chứng tiêu hoá, một chuyên gia có thể đề nghị một số xét nghiệm đặc biệt để xem xét bên trong ruột.

Các mục tiêu của điều trị sa niệu dục là gì?

Mục đích của điều trị sa niệu dục là nhằm đảm bảo bạn:

  • Thấy thoải mái và không đau đớn.
  • Có thể kiểm soát hoàn toàn tiểu tiện và đại tiện.
  • Có thể quan hệ tình dục tốt hơn.
  • Không bị bất kỳ biến chứng nào do sa gây ra, chẳng hạn như nhiễm trùng tiểu hoặc loét các bộ phận bị sa.
  • Có thể tiếp tục có con nếu muốn.

Các lựa chọn điều trị cho sa niệu dục là gì?

Theo dõi

Nếu bạn có một số các triệu chứng của sa niệu dục, sau khi thảo luận với bác sĩ của bạn, bạn có thể chọn cách theo dõi để xem bệnh tình phát triển như thế nào. Tuy nhiên, nếu bạn thấy phát triển bất kỳ triệu chứng nào mới, bạn nên tái khám lại ngay.

Thay đổi lối sống

Tuy nhiên, trong thời gian theo dõi, có một số điều mà bạn có thể làm để dự phòng bị sa nặng hơn. Như đã thảo luận ở trên, có một số nguyên nhân có thể làm tăng áp lực trong ổ bụng gây tăng nguy cơ sa niệu dục hoặc làm cho sa niệu dục tồi tệ hơn.

Ví dụ:

  • Nếu bạn bị sa niệu dục và thừa cân, bệnh sẽ giảm nếu bạn giảm cân.
  • Nếu bạn đang bị táo bón, bạn nên thảo luận với bác sĩ của bạn để đảm bảo rằng bạn được điều trị đúng.
  • Ho có thể làm cho sa niệu dục tồi tệ hơn. Nếu bạn hút thuốc, bạn nên cố gắng bỏ hút thuốc lá.
  • Bạn nên tránh nâng vật nặng, vì điều này có thể làm cho sa tồi tệ hơn. Nếu có thể, hãy đặt chân lên cao và nghỉ ngơi trong ngày.

Bài tập sàn chậu

Tất cả phụ nữ bị sa niệu dục, cho dù họ có triệu chứng hay không, nên thực hiện bài tập sàn chậu hàng ngày. Các bài tập có thể ngăn chặn sa trở nên tồi tệ hơn. Chúng cũng có thể làm giảm các triệu chứng như đau lưng và khó chịu ở bụng. Bác sĩ gia đình có thể giới thiệu bạn đến một nhà vật lý trị liệu chuyên môn trong các bài tập thể dục kiểu này. Tập thể dục có giám sát của chuyên gia hiệu quả hơn là tập thể dục một mình.

Vòng tránh thai

Vòng tránh thai có thể là một cách tốt để chế ngự sa niệu dục. Nó có thể được sử dụng trong những trường hợp sau:

  • Những người phụ nữ không muốn phẫu thuật.
  • Những người phụ nữ vẫn còn đang trong độ tuổi sinh đẻ.
  • Những người phụ nữ đang chờ phẫu thuật.
  • Những người phụ nữ có các bệnh khác mà làm cho việc phẫu thuật nguy hiểm hơn.

Các vòng tránh thai thường có hình chiếc nhẫn và được làm bằng silicone hoặc nhựa. Vòng này được đưa vào âm đạo của bạn. Nó được đặt tại chỗ âm đạo và giúp nâng thành âm đạo và tử cung. Vòng tránh thai đặt âm đạo rất dễ dàng và cần được thay đổi mỗi 6-12 tháng.

Nếu bạn bị đau hoặc khó đi tiểu sau khi đặt vòng tránh thai, bạn nên nói chuyện với bác sĩ của bạn ngay. Bạn có thể cần thay vòng tránh thai với một kích thước khác.

Vòng tránh thai đặt âm đạo thường không gây ra bất kỳ vấn đề nào nhưng (rất hiếm) nó có thể ảnh hưởng đến da bên trong âm đạo của bạn và gây loét. Một số phụ nữ đặt vòng có thể thấy khó chịu khi quan hệ tình dục.

Các loại kem estrogen âm đạo

Nếu bạn bị sa niệu dục nhẹ, bác sĩ có thể đề nghị bạn sử dụng một số loại kem estrogen bôi vào âm đạo của bạn từ 4 đến 6 tuần. Phương pháp này có thể giảm bất kỳ cảm giác khó chịu nào mà bạn có thể có. Tuy nhiên, đôi khi các triệu chứng có thể trở lại khi không bôi kem. Kem này không thể được sử dụng lâu dài và vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục về tác dụng của nó.

Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp điều trị vĩnh viễn cho sa niệu dục. Tùy thuộc vào loại sa của bạn mà sẽ có những cách phẫu thuật khác nhau. Phẫu thuật nội soi có thể được thực hiện. Bác sĩ phẫu thuật có thể tư vấn cho bạn xem cách phẫu thuật nào là tốt nhất cho bạn. Các loại phẫu thuật bao gồm:

  • Phẫu thuật sửa chữa âm đạo: thành của âm đạo được tăng cường và thắt chặt. Điều này thường được thực hiện bằng cách tạo một nếp gấp ở thành âm đạo và sử dụng các mũi khâu để giữ nếp gấp tại chỗ. Phẫu thuật được thực hiện thông qua âm đạo mà không cần mở bụng. Trong một số trường hợp, một miếng lưới hoặc băng keo đặc biệt có thể được khâu vào thành âm đạo.

Chú ý: có nhiều loại phẫu thuật sửa chữa âm đạo. Chưa có bằng chứng chắc chắn về kết quả lâu dài khi sử dụng lưới cho những loại phẫu thuật này. Ngoài ra, có thể có nguy cơ biến chứng, như lưới xói mòn qua thành âm đạo của bạn. Điều này có nghĩa rằng bạn cần phẫu thuật tiếp và cũng có thể gây ra một số khó chịu và khó quan hệ tình dục. Bạn nên thảo luận ưu và nhược điểm của các loại phẫu thuật chi tiết với bác sĩ phẫu thuật của bạn trước khi quyết định phẫu thuật.

  • Cắt bỏ tử cung: đây là một điều trị phổ biến cho sa tử cung. Thực tế, sa niệu dục là lý do phổ biến nhất khiến phụ nữ trên 50 tuổi bị cắt bỏ tử cung. Đôi khi cắt bỏ tử cung được đề nghị cùng một lúc với phẫu thuật sửa chữa âm đạo.
  • Phẫu thuật để nâng tử cung hoặc âm đạo của bạn: có nhiều loại khác nhau trong đó bao gồm:
    • Sacrohysteropexy: một dạng lưới đặc biệt được sử dụng để nâng và giữ tử cung tại chỗ. Một đầu của lưới được gắn vào cổ tử cung và đầu kia được gắn vào xương ở phía sau của khung chậu, còn gọi là xương cùng (sacrum). Phẫu thuật này thường được thực hiện qua một đường rạch ở bụng.
    • Sacrocolpopexy: trong quá trình phẫu thuật này, âm đạo được căng lên và cố định ở xương cùng (sacrum). Lưới hoặc vật liệu khác thường được sử dụng để giữ âm đạo tại chỗ. Cắt bỏ tử cung có thể được đề nghị cùng một lúc. Phẫu thuật này thường được thực hiện thông qua một đường rạch ở bụng.
    • Infracoccygeal hysteropexy hoặc colpopexy: đây là kỹ thuật mới khi lưới được đưa vào thông qua âm đạo chứ không cần đường rạch ở bụng. Điều này có nghĩa là sự hồi phục nhanh hơn.
    • Định hình Sacrospinous: trong quá trình phẫu thuật này, âm đạo được nâng lên và khâu vào một dây chằng bên trong khung chậu, gọi là dây chằng sacrospinous. Nó thường được thực hiện thông qua âm đạo và do đó không cần đường rạch ở bụng.

Bạn có thể phải ở lại bệnh viện một vài ngày sau phẫu thuật. Phục hồi hoàn toàn có thể mất từ sáu đến tám tuần. Bạn nên tránh nâng vật nặng và quan hệ tình dục trong thời gian này. Vẫn có khả năng sa niệu dục có thể tái phát sau khi phẫu thuật.

Diễn tiến sa niệu dục

Nếu không điều trị, sa niệu dục thường sẽ dần trở nên tồi tệ. Tuy nhiên, không phải luôn luôn là như vậy. Đôi khi nó có thể được cải thiện mà không cần điều trị. Kết quả thường tốt đối với phụ nữ trẻ, những người có trọng lượng bình thường và có sức khỏe tốt. Kết quả sẽ tồi tệ đối với phụ nữ lớn tuổi, những người có sức khỏe thể chất kém và những người thừa cân. Sa niệu dục có thể tái phát trở lại 10 năm sau phẫu thuật với tỷ lệ 17 người trong số 100 phụ nữ.

Ngăn ngừa sa niệu dục

Có nhiều điều có thể giúp ngăn ngừa sa niệu dục. Tuy nhiên, không phải tất cả các phương pháp này đã được chứng minh. Điều đơn giản mà bạn có thể làm là:

  • Luyện tập cho vùng chậu thường xuyên, đặc biệt là nếu bạn đang có kế hoạch có thai, đang mang thai hoặc đã sinh.
  • Nếu bạn đang thừa cân, hãy cố gắng giảm cân.
  • Ăn một chế độ ăn nhiều chất xơ (nhiều hoa quả, rau, bánh mì nguyên hạt và ngũ cốc) và uống nhiều nước để tránh táo bón.
  • Nếu bạn hút thuốc, hãy cố gắng bỏ hút thuốc.
  • Tránh các nghề có liên quan đến nâng vật nặng.

Tài liệu tham khảo

http://patient.info/health/genitourinary-prolapse-leaflet

Avatar
Ngọc Yến
Mình là Yến Ngọc. Mình tạo blog để lấy tin từ các nguồn khác nhau phục vụ bạn đọc. Blog của mình chuyên các tin, review về mẹ và bé. Mong là website của mình sẽ giúp ích ít nhiều cho các bạn. Chúc các bạn ngày làm việc vui vẻ !

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

21,913FansLike
2,506FollowersFollow
0SubscribersSubscribe
- Advertisement -

Latest Articles