24 C
Hanoi
Thursday, March 28, 2024

Buy now

Thế nào là Xuất huyết tử cung bất thường ?

Thế nào là xuất huyết tử cung bất thường?

Các trường hợp xuất huyết (ra máu, chảy máu) sau đây là bất thường:

  • Xuất huyết giữa các kỳ kinh
  • Xuất huyết sau khi quan hệ tình dục
  • Ra máu nhỏ giọt bất kỳ thời điểm nào trong chu kỳ kinh nguyệt
  • Ra máu kinh nhiều hơn (cường kinh) hoặc dài hơn bình thường (rong kinh)
  • Xuất huyết sau khi mãn kinh

Chu kỳ kinh nguyệt dài hơn 35 ngày hoặc ngắn hơn 21 ngày đều là không bình thường. Tắt kinh trong 3-6 tháng (vô kinh) cũng là không bình thường.

Thế nào là chu kỳ kinh nguyệt bình thường?

Một chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu tiên thấy máu kinh cho đến lần ra máu kinh tiếp theo. Thông thường chu kỳ kinh nguyệt là 28 ngày. Chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn hoặc dài hơn từ 7 ngày trở lên là không bình thường.

Ở tuổi nào thì xuất huyết tử cung bất thường thường xảy ra?

Xuất huyết tử cung bất thường có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào. Tuy nhiên ở một số giai đoạn nhất định, chu kỳ kinh nguyệt trở nên bất thường. Vài năm đầu khi bắt đầu có kinh nguyệt (thường là khoảng 9-16 tuổi), chu kỳ thường không ổn định. Chu kỳ kinh nguyệt cũng có thể thay đổi ở giai đoạn tiền mãn kinh (khoảng 50 tuổi). Trong giai đoạn này có thể có tháng không thấy kinh, hoặc hành kinh nhiều hơn hoặc ít hơn.

Nguyên nhân gây xuất huyết tử cung bất thường

Có rất nhiều nguyên nhân gây xuất huyết tử cung bất thường. Có thể là:

  • Có thai
  • Sẩy thai
  • Thai ngoài tử cung
  • Bệnh u cơ tuyến, còn gọi là lạc nội mạc tử cung trong cơ
  • Do sử dụng các biện pháp tránh thai, ví dụ như dụng cụ tử cung , hoặc thuốc tránh thai
  • Nhiễm trùng tử cung hoặc cổ tử cung
  • U xơ tử cung
  • Bệnh máu khó đông
  • Polyp
  • Tăng sản nội mạc tử cung
  • Một số loại ung thư, như ung thư tử cung, cổ tử cung, hoặc âm đạo
  • Hội chứng buồng trứng đa nang

Cách chẩn đoán xuất huyết tử cung bất thường

Bác sĩ sẽ hỏi về sức khoẻ của bạn và gia đình bạn, cũng như về chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Nên ghi lại các chi tiết về chu kỳ kinh nguyệt trước khi đến gặp bác sĩ, bao gồm ngày bắt đầu có kinh, kinh kéo dài trong bao lâu, ra kinh như thế nào (ít, bình thường, nhiều, hay rải rác).

Bác sĩ sẽ kiểm tra phụ khoa tổng quát, và cũng có thể làm xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu cho phép loại bỏ trường hợp bị các bệnh về máu thông qua việc đánh giá số lượng tế bào máu và nồng độ hormon (nội tiết tố) trong máu. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra xem bạn có thai hay không.

Các phương pháp để phát hiện xuất huyết tử cung bất thường

Tuỳ vào triệu chứng của bệnh mà sử dụng các phương pháp khác nhau. Có thể bác sĩ sẽ phải kiểm tra thêm nhiều thứ khác không liệt kê dưới đây. Một số phương pháp dưới đây có thể thực hiện ở phòng khám tư. Một số khác cần phải đến bệnh viện hoặc trung tâm phẫu thuật.

  • Siêu âm bơm nước buồng tử cung: trong phương pháp này, một loại dung dịch được đưa vào tử cung thông qua một ống nhỏ, sau đó sóng siêu âm được dùng để tái tạo hình ảnh tử cung.
  • Siêu âm: là phương pháp dùng sóng âm để ghi hình ảnh các cơ quan ở vùng chậu.
  • Chụp cộng hưởng từ hạt nhân: phương pháp này sử dụng từ trường mạnh để tái tạo hình ảnh các cơ quan bên trong.
  • Nội soi buồng tử cung: là phương pháp soi trong lòng tử cung bằng cách đưa dụng cụ soi vào âm đạo, qua cổ tử cung và vào buồng tử cung.
  • Sinh thiết nội mạc tử cung: trong phương pháp này, mẫu tế bào của nội mạc tử cung được lấy thông qua một ống nhỏ, rồi được kiểm tra dưới kính hiển vi.

Nên lựa chọn phương pháp điều trị như thế nào?

Việc chọn lựa phương pháp điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố: bao gồm nguyên nhân gây xuất huyết, độ tuổi, và liệu bệnh nhân có muốn có con hay không. Phần lớn có thể điều trị bằng thuốc, một vài trường hợp thì cần phẫu thuật.

Các thuốc dùng để kiểm soát xuất huyết tử cung bất thường

Các thuốc nội tiết thường được sử dụng để kiểm soát xuất huyết tử cung bất thường. Tùy thuộc vào độ tuổi và vào việc người bệnh có muốn có con hay không mà sử dụng các thuốc nội tiết khác nhau. Sử dụng thuốc tránh thai có thể giúp chu kỳ kinh nguyệt trở nên đều đặn hơn. Nội tiết tố cũng có thể được đưa vào cơ thể dưới dạng tiêm, kem thoa âm đạo, hoặc thông qua loại dụng cụ tử cung chứa nội tiết tố. Dụng cụ tử cung là một loại dụng cụ tránh thai được đặt vào tử cung. Nội tiết tố chứa trong dụng cụ tử cung được giải phóng từ từ vào tử cung, giúp kiểm soát chứng xuất huyết tử cung bất thường.

Các thuốc điều trị xuất huyết tử cung bất thường khác là thuốc kháng viêm nonsteroid (ví dụ như ibuprofen), acid tranexam, và kháng sinh. Thuốc kháng viêm nonsteroid có thể kiểm soát chảy máu và giảm đau bụng kinh (còn gọi là thống kinh, nghĩa là đau bụng khi đang hành kinh). Acid tranexam được sử dụng khi bệnh nhân ra kinh lượng nhiều (cường kinh). Kháng sinh dùng để chống nhiễm trùng.

Các loại phẫu thuật để điều trị xuất huyết tử cung bất thường

Trong một vài trường hợp sẽ phải dùng đến phẫu thuật (ví dụ như u xơ tử cung, hoặc polyp) để điều trị. Một số u xơ tử cung có thể được cắt bỏ khi nội soi buồng tử cung. Tùy trường hợp mà các phương pháp khác cũng được sử dụng.

Việc cắt bỏ nội mạc tử cung cũng được sử dụng để điều trị xuất huyết (xem bài “ Cắt bỏ nội mạc tử cung ”). Phương pháp này có thể làm giảm hoặc ngừng chảy máu vĩnh viễn. Phải tiến hành sinh thiết nội mạc tử cung trước khi quyết định có cắt bỏ hay không.

Cắt bỏ tử cung là biện pháp cuối cùng nếu các phương pháp khác không mang lại hiệu quả hoặc không thể thực hiện được. Cắt bỏ tử cung là một phẫu thuật lớn. Sau đó người phụ nữ sẽ không có chu kỳ kinh nguyệt nữa, đồng thời cũng không thể có con.

Chú giải

  • Thai ngoài tử cung: là trường hợp trứng thụ tinh không phát triển trong tử cung mà phát triển ở bên ngoài tử cung, thường là ở ống dẫn trứng.
  • Cổ tử cung: là phần dưới của tử cung mở thông với phần trên của âm đạo.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang: là trường hợp có ít nhất 2 trong 3 đặc điểm sau: có nhiều nang trên buồng trứng, chu kỳ kinh nguyệt không đều đặn, hoặc nồng độ một số hormon tăng cao.
  • Mãn kinh: là thời kỳ buồng trứng ngừng hoạt động và tắt kinh.
  • Phẫu thuật cắt bỏ tử cung: là phẫu thuật loại bỏ tử cung.
  • Polyp: là khối u phát triển từ lớp mô màng, ví dụ như lớp nội mạc tử cung.
  • Sẩy thai: là trường hợp bào thai bị hư và ngừng phát triển trước khi sinh.
  • Tăng sản nội mạc tử cung: là trường hợp lớp nội mạc tử cung phát triển quá nhiều.
  • Tử cung: là một cơ quan nằm trong khung chậu nữ giới, chứa và nuôi dưỡng thai nhi trong quá trình mang thai.
  • Bệnh u cơ tuyến (lạc nội mạc tử cung trong cơ): là trường hợp lớp nội mạc tử cung (nằm trong lòng tử cung) lạc vào thành cơ tử cung và phát triển ở đó.
  • Dụng cụ tử cung: là dụng cụ tránh thai được đặt bên trong tử cung.
  • U xơ tử cung: là u lành tính phát triển bên trong tử cung, hoặc bên ngoài bề mặt tử cung, hoặc trong thành tử cung.

Chú ý:

Nếu bạn có thêm thắc mắc, hãy đến gặp bác sĩ phụ khoa

Bài này được thiết kế để trợ giúp bệnh nhân, chứ không mô tả toàn bộ quá trình điều trị cần thiết, và do đó không nên bỏ qua các phương pháp khác có thể. Tuỳ thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân, điều kiện của cơ sở y tế mà các phương pháp điều trị có thể có thay đổi.

Tài liệu tham khảo

http://www.acog.org/~/media/For%20Patients/faq095.pdf?dmc=1&ts=20140214T1026462980

Avatar
Ngọc Yến
Mình là Yến Ngọc. Mình tạo blog để lấy tin từ các nguồn khác nhau phục vụ bạn đọc. Blog của mình chuyên các tin, review về mẹ và bé. Mong là website của mình sẽ giúp ích ít nhiều cho các bạn. Chúc các bạn ngày làm việc vui vẻ !

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

21,913FansLike
2,506FollowersFollow
0SubscribersSubscribe
- Advertisement -

Latest Articles